“Sơn Mài”
Chúng ta luôn biết là sơn cái quái gì cũng cần mài, kể cả sơn tường, nên cụm Sơn-Mài hay đi với nhau nghe rất thuận tai. Nhưng liệu bạn có thật sự hiểu đúng thuật ngữ này trong hội hoạ?
Sơn Mài là hình thức hội hoạ độc đáo của Việt Nam và nó KHÔNG PHẢI LACQUER (vì lacquer chỉ có nghĩa là sơn). Từ “lacquer” được dùng chung cho sơn móng tay, sơn đồ gỗ, sơn đồ mỹ nghệ, thậm chí sơn tranh cũng có (và đây là chỗ ta hay nhầm lẫn). Còn cụm từ Sơn-Mài mang hàm ý: Vẽ và Mài, trong đó cả hai bước đều có tầm quan trọng hệt như nhau.
Trong các nghề sơn (lacquer) nói chung, việc mài chỉ chiếm 5-10% công đoạn cuối khi hoàn thiện, với mục đích làm phẳng bề mặt, tạo độ bóng sáng cho sản phẩm. Bước mài trong tranh lacquer không làm thay đổi nét vẽ, bố cục, nội dung tranh.
Từ “mài” trong Sơn-Mài có nhiều ý nghĩa hơn thế. Khi ứng dụng sơn vào bề mặt tranh những năm 1920, các hoạ sĩ Việt Nam đã sáng tạo ra kỹ thuật mới hoàn toàn. Để tạo ra bức tranh, MÀI là một khâu quan trọng chiếm 50% quy trình sáng tác. “Lúc mài chính là lúc vẽ”. Hoạ sĩ dùng động tác MÀI để kiến tạo nội dung tranh.
Hiện nay có nhiều hoạ sỹ vẽ tranh bằng sơn nhưng không mài, hoặc chỉ mài sơ để lấy phẳng, cũng chẳng sao. Tranh vẫn đẹp và giàu giá trị. Nhưng nó sẽ không được gọi là “tranh Sơn Mài” nếu như không hội tụ đủ hai thành tố SƠN và MÀI với sức nặng tương đương nhau.
Kỹ thuật Sơn-Mài là đặc hữu của Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vì thế chưa có từ tiếng Anh phù hợp. Trong video mới đây về nghề làm tranh sơn mài, trang Business Insider cũng dùng nguyên văn từ “Son Mai” để nói về chất liệu/kỹ thuật này. Đây là cách chọn từ ngữ chính xác nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Bài viết của Chú Lửng Mật
Nguồn: Video Why Sơn Mài Painting Is So Expensive của Business Insider, Vietsub by Chú Lửng Mật
Đường dẫn video gốc: https://www.facebook.com/20446254070/videos/213633703741442