“CƠN BÃO CUỐI CÙNG”, tâm lý hay phiêu lưu?
Giới thiệu nhanh về bộ tiểu thuyết
Bộ tiểu thuyết Cơn Bão Cuối Cùng là sản phẩm truyện hư cấu thuộc thể loại tâm lý. Đây là tác phẩm đầu tiên Chú Lửng Mật hân hạnh được ra mắt phục vụ bạn đọc yêu văn chương Việt Nam. Chắc hẳn có nhiều quý vị độc giả đang cảm thấy rất tò mò, không hiểu bộ này nói về cái gì mà lại đồ sộ đến vậy. Trong bài viết này, Chú Lửng Mật xin được bật mí đôi chút về nội dung của bộ truyện.
Đầu tiên, phải kể đến cuốn “chính”, có nhan đề là “Trên Địa Cầu và trong Thế Giới”. Cuốn truyện này viết ở ngôi thứ 3, thuật lại các diễn biến của ngày 18/08/2022, ngày mà đại hồng thuỷ sẽ ập tới.
Trong đó, có một cuốn thuật lại những diễn biến kể từ ngày này. Tất cả bắt đầu từ một cơn mưa. Nước tràn vào từ mọi ngả: Biển, bầu trời, lòng đất. Chậm rãi, từ tốn, đại hồng thuỷ sẽ không bỏ sót một ai. Trong mắt “nó”, không ai là đặc biệt, cũng không ai là tầm thường. Theo lời nhân vật Phong: “Nó” không phải một hiện tượng tự nhiên. “Nó” như một con thú dữ, nhẫn nại săn tìm chúng ta, bạn, tôi, tất cả mọi người. Kiểu gì “nó” cũng tìm được.
Fanpage Chú Lửng Mật
Vậy còn chín cuốn kia thì sao?
Chín cuốn còn lại là dòng ký ức của 9 nhân vật được lựa chọn từ cuốn nói trên, vào nhiều giai đoạn khác nhau, trước ngày hồng thuỷ. Họ có nhiều xuất thân, ngành nghề, tính cách. Họ đôi khi liên quan tới nhau, đôi khi xa lạ. Có người biết trước về đại hồng thuỷ, có người không. Những mảnh ghép này cùng sống trong một bầu không khí chung, góp phần lí giải (hoặc làm rối thêm) bí mật về đại hồng thuỷ.
Cả chín cuốn hồi ức đều viết ở ngôi thứ nhất. Nhân vật chính sẽ xưng “tôi”. Thật ra, đây là dòng suy tưởng trong đầu họ. Lý do vì sao lại tồn tại những dòng suy tưởng này sẽ được hé lộ trong cuốn “Trên Địa Cầu và trong Thế Giới”. Quý vị độc giả đọc đến cuối là sẽ hiểu rõ mọi điều!
Dưới đây sẽ là những hé lộ của Chú Lửng Mật về nội dung của chín cuốn hồi ức!
SỰ NGHIỆP VÀ THIÊN TÌNH SỬ CỦA MỘT QUÝ ÔNG TƯƠNG LAI
Câu chuyện của Vũ trải dài từ thời sinh viên cho tới khi đạt được những thành tựu đầu tiên trong sự nghiệp. Vũ là bạn đại học của Vinh. Anh là nhân chứng hiếm hoi còn lưu giữ ký ức về Vinh và Phong thời trẻ, cái thời Phong còn khá lêu lổng, chưa hề biết gì đến “đại hồng thuỷ”. Mấy chàng thanh niên thuở ấy còn mải kiếm tiền, yêu đương, mơ mộng, hão huyền với những ảo tưởng sức mạnh. Những thất bại và thành công nối tiếp nhau khiến Vũ dần trưởng thành hơn, để làm người chồng, người cha kiên cường mà ta sẽ gặp lại trong cuốn “Trên Địa Cầu và trong Thế Giới”.
Tôi nói với Ngọc, rằng những nơi anh lui tới chỉ có tiền nong và thương trường, mưu toan và bon chen, rất khô khan, dã man, xô bồ. Anh chỉ sợ nếu đưa em đi cùng sẽ khiến em bị tổn thương. Cô bé nhoẻn miệng cười và nói rằng em chẳng đủ khả năng hiểu được những điều anh đang làm, nhưng em tin là anh luôn chiến thắng, dù thiên hạ ngoài kia có xảo quyệt tới đâu. Chà chà, một lời khen rất đúng cách. Thế nhưng, dù không đưa Ngọc đi theo, tôi luôn chụp ảnh cho cô bé thấy mình đang đến những đâu. Lâu dần, tôi thành ra nghiện cái trò chụp lại một vài tấm hình mỗi lần đến một nơi sang trọng nào đó. Kể ra thì, thói quen này giúp tôi khá nhiều trong việc cải thiện hình ảnh bản thân. Cứ sau mỗi một buổi như vậy, đêm về khi nằm trên giường, tôi thường dùng những tấm ảnh để kiểm điểm lại, xem mình ăn mặc như vậy đã đủ thanh lịch hay chưa, nói năng như thế đã đủ quý phái hay chưa, cả buổi có lỡ lời hay hớ hênh chút nào không, và hôm nay thu hoạch được những mối quan hệ như thế nào.
Tôi bắt đầu thành thạo lối sống kiểu này, và tận hưởng nó.
Trích đoạn trong SỰ NGHIỆP VÀ THIÊN TÌNH SỬ CỦA MỘT QUÝ ÔNG TƯƠNG LAI, thuộc bộ tiểu thuyết “CƠN BÃO CUỐI CÙNG“
AI LÀ AI, YÊU AI?
Tiến là một nhân viên công sở mẫu mực, giao tiếp rộng, thu nhập tốt. Tiến sinh năm 1985. Cuộc sống của anh đang ổn thoả, nhưng anh vẫn muốn tìm kiếm một điều gì đó, mà anh gọi là “nhựa sống”. Anh đi lạc hướng, để rồi vùng vẫy tuyệt vọng khi nhận ra mình đang mắc kẹt trong một nút thắt của cuộc đời. Nhờ một người bạn mà anh gọi là “Gã Kỳ Lạ”, anh ngộ ra vài điều cơ bản để tự cứu lấy mình trước khi quá muộn. Ít nhất, anh biết mình là ai, yêu ai. Cuốn này là lời thú tội của Tiến, viết năm 2017.
Sự trống rỗng sau khi thoả mãn – gông cùm cho những kẻ phạm tội dâm ô. Đến lần phạm tội thứ tư, thứ năm, anh đã không còn hối hận hay sợ hãi. Anh mạnh dạn và chuyên nghiệp. Thế nhưng cảm giác trống rỗng, vô nghĩa vẫn còn. Không chỉ giữ nguyên, nó đôi khi còn phình to ra. Sau mỗi lần như thế, anh bắt đầu sợ bản chất nhục dục của những mối quan hệ giữa người và người. Anh dành nhiều thời gian để trò chuyện hơn, với các cô gái mà anh quen. Anh tỏ ra mình là một lãng tử, đa tình, chứ không phải con quỷ háo sắc. Hầu hết họ không phải tình nguyện viên chuyên nghiệp, càng không phải gái mại dâm. Đương nhiên, họ cũng thích trò chuyện với người mà họ đồng ý lên giường. Rồi anh cũng tặng quà nữa, đôi lần. Có người còn tâm sự với anh, chuyện họ đang yêu đơn phương một anh chàng nào đó, vân vân. Họ tìm lời khuyên về tình yêu từ anh, người đang cùng họ nằm khoả thân trên chiếc giường xộc xệch. Một cô bé nọ hỏi anh cách thức để làm quen một cậu trai cùng khoá. Một cô bé khác hỏi anh cách giải bài hai tiết bốn trong sách giáo khoa kinh tế lượng. Có những người đã đánh mất lần đầu vào tay anh. Họ chưa thấy hối hận, vì họ chưa đủ lớn. Những cô bé sinh viên cứ nghĩ mình đang hưởng thụ một nếp sống tự do, phóng khoáng, thoát khỏi vòng kìm toả của bố mẹ dưới quê, thoát khỏi sự “cổ hủ” của một xã hội đầy soi mói. Họ hiến dâng thanh xuân cho anh cứ như một cách để tôn vinh tuổi trẻ. Và anh cứ mặc nhiên nhận lấy, rao giảng vào tai họ những tư tưởng “hiện đại”, “phương Tây” về tình dục không ràng buộc. Đạo đức, luân lý trong anh rối bời hết cả. Nhưng khi đó, điều anh cần là cảm giác được làm chủ cuộc sống của mình. Được làm Thượng Đế thật sự, trong phạm vi của tư duy. Được gặp gỡ nhiều người, được mưu mẹo, được có màu sắc, được muốn, được tôn trọng.
Trích đoạn trong AI LÀ AI, YÊU AI?, thuộc bộ tiểu thuyết “CƠN BÃO CUỐI CÙNG“
CÔ NÀNG MỘT NỬA
Toàn bộ câu chuyện được Hương hồi tưởng vào ngày 05/06/2018, ngày cuối cùng của cuộc đời cô. Hương là một người sắc bén, liều lĩnh, có tương lai hứa hẹn. Cô cũng là trợ lý đắc lực của đạo diễn Vi Mai (cùng với Linh). Hương gọi Tuấn là anh rể. Hương coi Linh và Hiền là bạn thân. Hương từng coi Phong là “Một Nửa Còn Lại”. Hương không phải kiểu con gái bánh bèo, lãng mạn. Cô sẽ giải thích về cách gọi này trong câu chuyện của mình. Tình cờ, đó cũng là lý do dẫn tới cái chết của cô.
Sau khi mạnh mẽ, tôi lại bắt đầu sợ.
Tôi mạnh mẽ trong 104 phút. Nỗi sợ đến vào khoảng gần bảy giờ tối. Rửa bát xong xuôi, tôi ngồi lại trong phòng ăn, đối mặt với chính mình.
Điều đáng sợ nhất của cái chết không phải là bản thân nó. Người ta rất khó để yêu, ghét, hoặc sợ một thứ mà họ không thể trải qua. Tưởng tượng thôi thì chưa đủ. Tôi sợ lửa, vì tôi từng bị bỏng. Song tôi không sợ núi lửa. Quanh nơi tôi sống không có núi lửa. Tôi sợ bị chó cắn, nhưng tôi không sợ cá mập. Tôi rất ghét bơi, và bơi ở biển lại càng không. Chẳng ai có kinh nghiệm với cái chết. Khi đã có, họ không còn là “ai” nữa. Họ là một thi thể. Thế nên khi một người nói rằng họ sợ chết, thật ra họ đang sợ những hậu quả – do họ vẽ ra – của cái chết.
Những hậu quả mà, lần lượt trong cuộc đời, họ nghĩ mình đã nếm thử.
Sự lạc hậu, sự mất mát, sự lãng quên.
Trích đoạn trong CÔ NÀNG MỘT NỬA, thuộc bộ tiểu thuyết “CƠN BÃO CUỐI CÙNG“
KỂ TỪ NGÀY VOI HÚC
Quen nhau qua một bức thư từ hồi nhỏ, nhưng chưa từng nói chuyện, Chi gọi ngày cô lần đầu gặp Phong là “ngày voi húc”. Lý do thì cô sẽ giải thích trong khi hồi tưởng. Ngày voi húc đến vào năm 2015, cũng là năm bắt đầu cuốn tự truyện của Chi, khi cô tròn 20 tuổi. Không phải tự nhiên mà Chi được làm người mở đầu cho cuốn “Trên Địa Cầu và trong Thế Giới”. Cô cũng có mặt trong cảnh cuối của cuốn đó. Với Phong và Vinh, vị trí của cô không phải người yêu, không phải nàng thơ, cũng không hẳn là bằng hữu đồng sinh cộng tử. Cô chỉ đơn giản là một người không thể thiếu.
Có thể với người lớn, họ sẽ có những câu trả lời thích hợp vào thời điểm thích hợp, vì họ sống đã nhiều và cuộc sống đã cho họ nhiều. Ánh nắng, những góc phố thân quen, tiếng hàng rong mỗi sớm, cửa tiệm giặt là ven đường, mọi thứ đều dạy cho ta hiểu về thế giới tâm linh. Và người lớn, những người đã mòn mỏi cả cuộc đời bên mọi điều tầm thường ấy, trong một khoảnh khắc vô tình hay hữu ý nào đó, đã nhận ra và thấu hiểu về những quy luật xưa nay họ vẫn nghe và vẫn làm. Thế rồi thời gian trôi qua, và họ quên mất mình đã hiểu chúng bằng cách nào. Cũng như tôi đã quên mất lần đầu tiên khi tôi biết đọc chữ, việc hé mở được cánh cửa Ngôn Ngữ, kho báu kỳ diệu nhất mà loài người từng nghĩ ra, đã thay đổi tôi thế nào. Đúng vậy! Tôi đã phải học để có thể đọc chữ. Nhưng tôi không sao nhớ nổi trước khi biết đọc tôi đã là ai. Thì người lớn cũng vậy. Họ biết về thánh thần, họ biết về niềm tin. Họ thật lòng cầu nguyện điều gì đó vì họ thấu hiểu cảm giác hoang mang sợ hãi đến tột cùng. Họ thật lòng sống trong sự tự kiềm chế bởi họ muốn cái đức của mình được soi tỏ đến tận trời xanh. Họ đã học được thông qua sự thôi thúc và cái cảm nhận. Nhưng khi họ nói ra, sự thôi thúc và cảm nhận ấy chỉ còn là cái biết. Ai mà chẳng biết tập thể dục là tốt, bỏ rượu bia là tốt, ăn chay là tốt. Nhưng cái biết thì chưa đủ. Tôi cần có sự thôi thúc. Một đứa trẻ con – như tôi khi ấy và cả ngay lúc này – nào có tự nhiên mà dám đặt câu hỏi. Tôi làm theo người lớn, và nhiều khi bất mãn nghĩ rằng khái niệm “hồn ma” có lẽ cũng huyễn hoặc như khái niệm toán học nào đó. Nó chỉ có ích cho thầy bói, cũng như một phép toán chỉ có ích cho nhà toán học. Nhưng không phải, không phải, không phải. Và Phong, có lẽ là vô tình thôi, đã ở bên cạnh và dẫn dắt những bước đi đầu tiên của tôi vào thế giới của sự phản tư, của sự tự học, của sự quan sát.
Trích đoạn trong KỂ TỪ NGÀY VOI HÚC, thuộc bộ tiểu thuyết “CƠN BÃO CUỐI CÙNG“
BẢN TỤNG CA NIỀM VUI
Tuấn là một kỹ sư xây dựng. Anh cực kỳ yêu vợ con. Sau vợ con, anh yêu nghề và yêu trồng cây cối. Người đàn ông này bề ngoài thô ráp, lầm lì, cách nói chuyện khá vụng về, đôi khi bụi bặm, nhưng trong trái tim tràn đầy tình yêu với mọi thứ. Anh yêu cả cái nhà anh đang xây. Anh đứng vuốt ve hệ móng cọc cả ngày đầy âu yếm. Thế nhưng anh không lãng mạn hoá thế giới theo kiểu dở hơi (như con trai anh vẫn tưởng). Ngược lại là đằng khác: Anh cực kỳ tỉnh táo và nhanh trí. Cứ như ông trời cố tình thử thách, cuộc đời Tuấn liên tục gặp những xáo trộn, theo kiểu nếu không phải Tuấn mà là người khác thì có lẽ đã phát điên mất rồi. Nhờ vào tình yêu vô bờ dành cho muôn loài, Tuấn luôn tìm được cách để tận hưởng niềm vui cho riêng mình và giữ được óc phán đoán minh mẫn.
Vợ là người đồng bọn, đứng cùng chiến tuyến với ta. Vợ cùng ta đối phó với cả thế giới. Vợ không phải người để ta phải đối phó. “Cả thế giới” bao gồm con bạn thân tọc mạch, mẹ của nàng, thậm chí là mẹ của chính ta. Nếu vợ ta tụ họp với một trong những nhân vật kể trên, để bàn cách đối phó với ta, thì chắc chắn là ta ăn no cứt. Ngược lại cũng thế. Nếu ta cứ cố gắng đối phó với vợ, cuộc đời ta sẽ khổ lẩn quẩn, không khá lên được.
Đây là bài học tôi vừa mới nghiệm ra: Cảm giác đối phó.
Để hiểu được thế nào là “cảm giác đối phó”, hãy thử định nghĩa “sự vật” và “vấn đề”. Sự vật là thứ tồn tại khách quan. Vấn đề là ý muốn chưa được thoả mãn. Đừng lẫn lộn giữa hai khái niệm này.
Bí mật là một sự vật. Cứ coi nó như quả táo, như con mèo. Bí mật có thể to. Ví dụ như bệnh ung thư. Bí mật cũng có thể nhỏ. Ví dụ như chuyện ta đang nghĩ. “Anh đang nghĩ gì thế?”, ai cũng từng bị hỏi câu này. “Không, không có gì”, và chắc ai cũng từng đáp câu này. Chỉ một điều bé xíu, miễn là người kia không biết, vẫn thành bí mật được.
Đương nhiên, có một số người vợ không thích bí mật. Ví dụ như vợ tôi. Thế nên vấn đề nảy sinh. “Em muốn anh ngừng giấu giếm” là một vấn đề. “Em muốn anh cùng làm việc nhà” là một vấn đề nữa. (Việc nhà chỉ là sự vật).
Vấn đề là thứ cần đối phó, không phải vợ. Ngay cả vấn đề gắn liền với vợ (hoặc ta). Hãy đặt nàng bên cạnh. Nàng sẽ cùng ta đối phó với vấn đề. “Em ghét giấu giếm, còn anh cứ thích thậm thụt đấy. Giờ em tính thế nào?”, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi này. Cái tát, nếu có, cũng chỉ là sự vật. Trừ khi nàng muốn tát nhưng ta lại né, nó lại thành vấn đề rồi.
Đương nhiên, ta chỉ có thể coi vợ là đồng bọn, khi nàng yêu ta, và ta yêu nàng. Các đôi yêu nhau rất thích bày trò dấm dúi, kể cả mưu hèn kế bẩn bỗng nhiên cũng thành “thế giới riêng của đôi mình”. Còn nếu Tình Yêu đã chết, chẳng còn gì đáng gọi là vấn đề nữa. Ta được tự do khỏi hạnh phúc.
Trích đoạn trong BẢN TỤNG CA NIỀM VUI, thuộc bộ tiểu thuyết “CƠN BÃO CUỐI CÙNG“
TA ĐANG THẬT SỰ “SỐNG VỀ” ĐIỀU GÌ?
Vinh là một doanh nhân trẻ sinh ra ở vạch đích. Anh vô tình chơi rất thân với Phong từ thời phổ thông. Câu chuyện của Vinh bắt đầu từ một buổi uống bia bất kỳ với Phong, vào năm 2015. Ngoài cộc cằn, ngông nghênh, Vinh còn là người khắt khe, hơi khó tính, thậm chí xấu tính, nên không nhiều bạn. Anh tự đặt ra nhiều quy định, nhiều kiểu kỷ luật rối rắm, lại không bao giờ chịu thoả hiệp. Trừ Phong, ai cũng thấy chơi với Vinh rất mệt và căng thẳng. Giống như Phong, cuộc đời Vinh xáo trộn khi câu chuyện về “đại hồng thuỷ” ập tới. Hội thoại trong trích đoạn bên dưới nằm ở gần cuối cuốn của Vinh, khi họ đã cùng nhau trải qua khá nhiều biến cố.
“Chúng ta đang sống thật, phải không?”, Phong nhìn lên bầu trời sầm sì với những đám mây u ám, “Giữa thành phố này, trong hình hài này, và sắp đối mặt với hồng thuỷ. Hay là có một sự nhầm lẫn ở đây?”
“Ông thấy chưa”, tôi cười, “Ông luôn luôn cần ai đó đứng ở ngay ranh giới giữa hiện tại và quá khứ, để nhắc nhở cho ông thấy, rằng mọi thứ đã thay đổi. Nếu như lúc này, tôi chỉ thản nhiên đáp rằng thế giới xưa nay vẫn vậy, hồng thuỷ là tất nhiên, thì chắc chắn ông sẽ phát điên”.
“Ừ, cũng tệ như việc ông hỏi lại tôi rằng: Hồng thuỷ nào ấy nhỉ”.
“Và đó là lí do vì sao chúng ta cần có ba người, để nhắc nhở lẫn nhau, đâu là thực tại. Dù cuộc đời không còn như trước nữa, và thực tại này lãng đãng như một ảo mộng, thì chúng ta vẫn sống với các giá trị, thay vì bám víu vào thông tin”.
“Ít nhất thì, trái đất không hề nói dối. Ngài đang khoẻ mạnh. Thậm chí còn tốt hơn so với tháng trước”, Phong nói chậm rãi.
Gã đứng dậy chăm chú nhìn điệu bộ ngờ vực của tôi, rồi nói thêm: “Đây là lần đầu tôi hoạt động trong lĩnh vực ngăn chặn hồng thuỷ. Nếu có thiếu sót, thì hy vọng lần sau sẽ khá hơn”.
“Rất may là các đối thủ của ông cũng chưa từng có kinh nghiệm gây ra hồng thuỷ”, tôi đáp.
Trích đoạn trong TA ĐANG THẬT SỰ “SỐNG VỀ” ĐIỀU GÌ?, thuộc bộ tiểu thuyết CƠN BÃO CUỐI CÙNG
VỤ BẮT CÓC THỨ HAI
Linh là trợ lý của Vi Mai, một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng. Cô và Phong yêu nhau từ thời học đại học. Câu chuyện của cô bắt đầu năm 2017, khi cô trở về thành phố quê hương sau chuyến công tác hai năm trời. Khi cô về, đến lượt Phong lại đang ở nước ngoài. Hai chuyến đi nối vào nhau khiến cuộc yêu xa trở nên đằng đẵng. Đúng lúc ấy, một chuyện không may xảy ra: Hiền, bạn thân nhất của cô, bị bắt cóc. Linh bị cuốn vào vụ án đó. Cuộc đời cô rơi vào một mớ bòng bong. Có vẻ như chính cô cũng sắp bị “bắt cóc” bởi những bóng ma mơ hồ khó cắt nghĩa.
Trong tủ lạnh bắt đầu có thêm đồ ăn, do tôi mang đến. Nấu, ăn, dọn, xong xuôi tôi lại xếp mọi thứ ngăn nắp. Đây là căn bếp tôi quen thuộc. Đây là căn bếp của tôi, nơi tôi tự tin luôn biết muối ở đâu, tiêu ở đâu, nước mắm ở đâu. Tôi nhắm mắt cũng chạm được tay vào từng lọ gia vị, và cảm thấy mình như nữ hoàng ở cái không gian này. Không gian chỉ mình tôi được vào, nấu cho Phong ăn, lắng nghe những tiếng cót két quen thuộc ở từng cánh cửa tủ. Không có gì đổi thay trong hai năm tôi đi vắng. Thói quen nấu ăn của chúng tôi đã hoà trộn vào nhau. Tôi biết, khi cần lọ gia vị, Phong lại vươn tay ra hệt như tôi sẽ làm, và dùng xong sẽ đặt lại vào nơi mà tôi sẽ để. Về khoản này, Phong bị tôi đồng hoá hoàn toàn. Khi bước vào một căn bếp lạ, anh sẽ lóng ngóng, vì mọi thứ “không như cách Linh sắp xếp”. Tôi lại tưởng tượng ra những ngày ăn tối cùng Phong và lắng nghe anh hào hứng kể về một ý tưởng tiểu thuyết xa vời nào đó, mà rốt cục anh chẳng bao giờ thực hiện được, vì thiếu thời gian. Rồi tôi cũng nhớ đến những hôm tôi tới kì, nằm co ro trong chăn, ôm cái túi chườm đặt lên bụng dưới, và nghe Phong kể chuyện cho quên cơn đau. Phong có biệt tài kể chuyện. Thực ra chuyện anh kể, vì là ứng tác, chẳng bao giờ có tình tiết li kỳ. Nhưng cái thần thái và giọng kể của anh cứ dao động liên tục, chạm tới cảm xúc của tôi, biến tôi thành một bé gái đang nằm nghe cổ tích.
Trích đoạn trong VỤ BẮT CÓC THỨ HAI, thuộc bộ tiểu thuyết CƠN BÃO CUỐI CÙNG
NHỮNG MẢNG MÀU ĐÊM KHUYA
Mai Thanh Hà là một nhân viên kế toán độc thân, có năng khiếu hội hoạ. Vì có trí nhớ tồi, cô luôn phải chạy đua với sự lãng quên. Cách chạy đua của cô chính là vẽ. Mỗi đêm, cô vẽ lại những quá khứ xa nhất mà cô sắp quên. Đây cũng là cách cô kể về câu chuyện của mình. Câu chuyện của cô bắt đầu năm 2020. Một người đãng trí như vậy lẽ ra nên sống đơn giản, nhưng không, Hà còn là thành viên trong một hội kín. Giống như các hội xe ô tô, hội cây cảnh, nuôi gà, hội kín nọ lập ra để tôn vinh sự im lặng. Đó vừa là thú chơi, vừa là chủ đề nghiên cứu của các thành viên. Thông qua bí thuật im lặng, họ tìm thấy một sức mạnh vượt xa những gì họ kỳ vọng.
Trong nhiều ngày, tôi ngẫm nghĩ về ranh giới mơ hồ giữa việc tốt nhỏ bé và việc tốt to lớn. Việc tốt to lớn tất nhiên là quý. Phải có ai đó làm chúng, nếu không thì những người như tôi sẽ rất khó sống. Anh Cương gọi lớp nhân sinh băng mỏng tang thường bảo vệ tôi khỏi đáy đời sâu thẳm bằng một thuật ngữ nghiêm chỉnh, bởi vậy cực kỳ kém tao nhã – “Khế ước xã hội” – mà, theo lời anh, đến từ một triết gia Pháp, người có cái tên đẹp nhưng tôi không thể ghi nhớ dù là cách đọc hay cách viết. Tất cả cánh người nhỏ bé chúng tôi sống nắn nót trên lớp băng này, nếm mọi buồn vui phổ thông, kinh qua mọi – hoặc nói “một số” thì khiêm tốn hơn – chướng ngại thường tình, vượt một số cám dỗ không đơn giản nhưng dễ đoán do đã xuất hiện đầy rẫy trong các đầu sách về tâm lý con người. Chúng tôi cũng, hơn muông thú ở điểm này, thỉnh thoảng đọc được hoặc tự ngộ ra những quan sát giàu tính khoa học về tập quán của chúng tôi, nhưng không vì thế mà sống khác đi hoặc trở nên to lớn. Chúng tôi bám vào mơ ước giản dị vậy thôi: Trải nghiệm già đi an toàn trong xã hội, tuân theo mọi thoả thuận ngầm được gọi vắn tắt là lẽ phải, cho đến khi mãn phần, nằm thoả thuê dưới ba tấc đất, không can dự vào nỗi ăn năn vì đã thất bại trong kế hoạch ngăn chặn Đại hồng thuỷ. Và, trên đường đời êm ái nọ, vì thừa lực, chúng tôi tranh thủ làm những việc tốt nhỏ bé. Việc tốt nhỏ bé cũng quý chứ sao. Một vị vua người Trung Quốc được gán cho câu danh ngôn, tương truyền là nằm trong số những lời lúc lâm chung ông căn dặn thái tử, như sau: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”. Tôi nghĩ ông này chắc là Lưu Bị thời Tam Quốc, dù sao thì danh tính của người phát ngôn cũng chẳng quan trọng bằng nội dung câu nói. Nó chuẩn đến mức khiến tôi mỉm cười tự tin mỗi khi nhắc lại. Tôi nói ranh giới giữa việc tốt to lớn và việc tốt nhỏ bé là mơ hồ, bởi việc tốt nhỏ bé rõ ràng dễ làm hơn, thuộc về phân khúc bình dân hơn, cả bậc hiền tài lẫn bọn phàm phu đều có thể thực hiện vài cú cho đời thêm ý nghĩa mà không quá mất sức. Nếu toàn thể dân đen chúng tôi cùng hăng hái làm những việc tốt nhỏ bé, mặc xác nhóm thiểu số người to lớn có đảm nhiệm phần của họ hay không, thì tôi tin rằng xã hội dù ở đâu cũng đáng sống hơn nhiều, so với cảnh chỉ có vài người khổng lồ trỗi dậy làm việc tốt to lớn, song bơ vơ trơ trọi giữa hàng tỷ người quen thói ăn sẵn và phá hoại. Như vậy, đôi khi thật khó để phân tách giữa hai loại việc tốt này. To lớn hay bé nhỏ còn phụ thuộc vào kết quả cuối cùng.
Trích đoạn trong NHỮNG MẢNG MÀU ĐÊM KHUYA, thuộc bộ tiểu thuyết CƠN BÃO CUỐI CÙNG
“HAY LÀ THÔI, ĐỪNG ĐỌC”
Hiền là một cô gái hoạt bát, dễ thương và mê tín. Cô sinh năm 1990, đã nhảy việc vài lần, có người yêu nhưng chưa cưới, vẫn sống cùng bố mẹ và em trai. Cuộc đời cô đi đến bước ngoặt vào năm 2015, khi cô gặp bà Thuỵ – một nhà truyền giáo bí ẩn. Trong hai năm, tôn giáo của bà mang lại cho Hiền nhiều cảm xúc và trải nghiệm lạ lùng. Vì một vài lý do, họ đã không gặp lại, mà suýt nữa sẽ không bao giờ gặp lại. Câu chuyện của Hiền bắt đầu từ một lá thư gửi từ người yêu vào đầu năm 2017, mà Hiền không dám đọc. Vì lá thư đó, cô dấn thân vào một cuộc hành trình đi tìm gặp lại nhà truyền giáo kia. Cho tới cuối cuốn này, Hiền chưa hề hay biết rằng tôn giáo đó là một đầu mối quan trọng (mặc dù gián tiếp) dẫn tới bí mật về đại hồng thuỷ.
Những ảo tưởng cõi Hoại Diệt vẽ ra trong mắt chúng ta có một bản chất chung là sự hời hợt. Nó là manh mối để tôi nắm lấy. Nhìn xem! Công việc: Trưng diện, buôn chuyện, chấm công, báo cáo, họp, tiếp khách. Mua sắm: Máy lọc nước tiên tiến, thảm treo tường, ốp điện thoại, váy đi biển, son môi, đồ uống giải độc, đồ ăn thực dưỡng, thẻ tập ở trung tâm. Tin tức: Diễn tập giữa hai cường quốc, cổ phiếu Bunnymart tăng giá, Hà Trịnh mới yêu một đại gia, năm nay cấp tiểu học thêm một môn mới. Kiến thức: Áo lụa gây ung thư vú, sữa tắm gây ung thư vú, quả xoài gây ung thư vú, bệnh ung thư phổi gây ung thư vú. Và đôi lúc, cả gia đình nữa. Bố mẹ chỉ hỏi thăm tôi cho có. “Ở cơ quan con ăn gì?”. “Hôm nay đi làm mệt không?”. Khi tôi trả lời, bố hoặc mẹ không đáp, không nhìn, vẫn tập trung vào ti vi. Với Nam Tuân thơ mộng, với Leo Tâm khùng khoằm, với diva Thiên Nga sang trọng, hay với hot girl Hà Trịnh có cặp chân dài trắng nõn. Mối quan tâm lớn nhất của “giới trẻ” lúc này là một cơ hội để nổi tiếng. Mối quan tâm lớn nhất của gia đình lúc này là tương lai của Tùng. Còn mối quan tâm lớn nhất của thằng Tùng lúc này là một chiếc xe máy mới, để làm dáng với người yêu. Tôi đã hết lí do, để coi một ngày là môi trường sống. Những phố xá, mặt người, tán cây, những giá trị quen thuộc, nay đều rỗng tuếch. Ngày, rồi lại ngày, chỉ còn là công cụ đong đếm thời gian.
Trích đoạn trong “HAY LÀ THÔI, ĐỪNG ĐỌC”, thuộc bộ tiểu thuyết CƠN BÃO CUỐI CÙNG
Thay lời chào
Nếu vẫn còn những thắc mắc về kết cấu, cách đọc, thể loại của bộ tiểu thuyết CƠN BÃO CUỐI CÙNG, kính mời quý vị độc giả tham khảo thêm ở bài viết dưới đây:
Hy vọng, sau khi đọc bài viết này, quý vị độc giả sẽ có một góc nhìn tương đối rõ ràng về những nội dung của bộ tiểu thuyết này. Bài viết cũng dành cho các quý độc giả có ý định mua lẻ từng cuốn để đọc thử, hoặc chưa biết nên bắt đầu đọc từ cuốn nào trong số 9 cuốn còn lại (Ngoài cuốn “Trên Địa Cầu và trong Thế Giới”).
Chúc quý vị độc giả luôn gìn giữ được tình yêu đối với văn chương, đặc biệt là văn chương Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Chú Lửng Mật trân trọng thông báo!