Nhân vật nào cũng phản ánh một phần của tác giả
Hôm nay, 14/7/2021, chúng tôi đã có một bài phỏng vấn nhanh với tác giả Nguyễn Lê Sang, người viết bộ tiểu thuyết “Cơn bão cuối cùng” mà Chú Lửng Mật sắp ra mắt. Xin mời quý vị theo dõi!
Cơ duyên nào khiến cho anh bắt đầu viết bộ tiểu thuyết này?
Có lẽ cơ duyên trực tiếp nhất thì là do một cuốn sách viết về đại hồng thuỷ. Cuốn sách miêu tả chi tiết đến mức lúc đọc đoạn đó, tôi nhìn ra cửa sổ và tưởng tượng ra ngay lúc mà đại hồng thuỷ ập vào Hà Nội thì trông thế nào. Ngay sau đó thì một câu hỏi ập đến: Vậy nếu “nó” tới, mình sẽ làm gì? Mình có thể bảo vệ gia đình và người yêu hay không?
Lúc bắt đầu viết, anh có nghĩ nó sẽ đồ sộ như hiện nay? Một bộ 10 cuốn này mất bao lâu để hoàn thành?
Không, lúc bắt đầu viết tôi nghĩ nó chỉ có 1 cuốn thôi, và nó cũng sẽ chỉ như 1 trong 10 cuốn bây giờ. Tôi còn dự định sẽ hoàn thành vào năm 2012. Tại năm đó mấy vụ “đại hồng thuỷ” cũng đang hot. (Cười). Càng viết thì tôi càng thấy đại hồng thuỷ chỉ là một tác nhân, để ta nhìn nhận lại nhiều thứ khác gần gũi với mình hơn. Tôi đành phát triển lại một cách bài bản hơn. Ví dụ như làm lại dàn ý, nhân vật, xây dựng mạch thời gian chi tiết. Đến khi thật sự viết xong thì 8 năm đã qua rồi.
Trong quá trình viết, có giai đoạn nào, hoặc phần nào làm cho anh cảm thấy khó khăn?
Các cuốn đều khó như nhau, nhưng phần khó nhất ở mỗi cuốn là phần thông tin, hay nói nôm na hơn là kiến thức. Có một đoạn rất hay mà Murakami từng viết trong cuốn “Lắng nghe gió hát”, ấy là: “… Bởi những lĩnh vực mà tôi có thể sáng tác thật quá đỗi hạn chế. Chẳng hạn, tôi có thể viết gì đó về loài voi nhưng biết đâu lại không thể viết gì về người quản tượng”. Voi và quản tượng chỉ là ví dụ đặc trưng. Thật ra khi viết về voi, có thể ông sẽ còn phải tìm hiểu quá trình vận chuyển voi châu Phi về đến Nhật Bản chẳng hạn, rồi cách xây dựng chuồng voi, mức độ điện năng ở hàng rào điện, đơn vị nào chịu trách nhiệm cung cấp khẩu phần ăn, vân vân và vân vân.
Bởi những lĩnh vực mà tôi có thể sáng tác thật quá đỗi hạn chế. Chẳng hạn, tôi có thể viết gì đó về loài voi nhưng biết đâu lại không thể viết gì về người quản tượng.
Haruki Murakami, “Lắng nghe gió hát”, Nguyễn Hồng Anh dịch
Tất cả nhà văn viết hư cấu đều gặp chung vấn đề này. Kiến thức nền của tôi vốn rất hạn hẹp. Nhưng dù kiến thức nền của bạn có rộng đến đâu đi chăng nữa, đến một lúc bạn sẽ gặp phải những cái bạn chưa bao giờ từng tìm hiểu trong đời bạn. Ví dụ khi đại hồng thuỷ vào thành phố, bạn sẽ phải tìm hiểu về hệ thống thoát nước, lúc nào thì cắt điện, tại sao lại cắt điện, cách các đài khí tượng thuỷ văn hoạt động, cách các đơn vị ứng phó khẩn cấp hoạt động, rồi nếu ngập thì sẽ ngập ở quận nào trước, điều kiện nào để cho các toà nhà có thể sập được, vân vân. Kể cả khi bạn không viết hết những gì bạn tìm hiểu được, bạn vẫn phải tìm hiểu thật nhiều, để có một tưởng tượng đúng đắn hoặc ít nhất không quá sai lệch. Những ví dụ vừa nói đều không thuộc chuyên môn của tôi. Ngay cả tiểu tiết như điều kiện nào để túi khí bung ra khi va chạm xe hơi, tôi cũng phải có một cuộc điện dài, tham vấn ý kiến của một người bạn làm trong garage.
Tôi thích ví von thế này. Khi ta nấu ăn, ta đã chuẩn bị đa số các nguyên liệu, nhưng cuối cùng vẫn thiếu một ít rau mùi, thì việc ta nên làm là chạy ra siêu thị mua mớ rau mùi đó, chứ không phải bắt đầu gieo hạt, chờ cây mùi lớn lên, rồi thu hoạch. Bạn không cần xấu hổ nếu đi vay mượn kiến thức từ người khác. Không ai là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, mà một tác phẩm hư cấu thì, tin tôi đi, đụng chạm tới mọi lĩnh vực, từ vĩ mô nhất cho tới bé xíu như con kiến. Vì vậy nên phải liên tục tìm được những người mình tin tưởng, để xin ý kiến.
Tất nhiên, không thể tránh khỏi, vẫn sẽ sót lại một số kiến thức tôi đã hiểu sai, hoặc miêu tả không đúng thực tế, nhất là với các tình tiết liên quan đến lĩnh vực y tế, quy trình xử lý của cảnh sát hình sự, hoặc việc mở doanh nghiệp, song hy vọng rằng chỉ có những người làm trong ngành cụ thể đó mới biết tôi đã sai ở đâu, với cả hy vọng là sau khi phát hiện ra thì họ cũng độ lượng mà bỏ quá, vì họ tưởng là ở những lĩnh vực khác (mà họ không biết) thì tôi đều viết chuẩn cả. (Cười).
Theo như tôi được biết, bộ tiểu thuyết này có 10 cuốn, trong đó có 9 cuốn là về 9 nhân vật. Trong số 9 nhân vật đấy, anh có đặc biệt yêu thích nhân vật nào không?
Không biết các tác giả khác thì thế nào, nhưng tôi tin là thông thường khi xây dựng một hệ thống nhân vật, thì nhân vật nào cũng phản ánh một phần của tác giả. Nhìn vào đâu cũng thấy bản thân mình ở đấy. Nó có thể giống ở một thói quen, một câu cửa miệng, tính cách, thậm chí là ngoại hình, nên là trong các nhân vật tôi viết thì đều có một phần của tôi. Nên là để trả lời cho câu hỏi của bạn thì rất khó, bởi vì là phần nào liên quan đến tôi thì tôi đều thích.
Anh từng có một cuốn sách tên là “Chuyện về những lăng kính”, sách dành cho đối tượng độc giả là trẻ em, xuất bản năm 2015, giai đoạn đó anh vẫn đang sáng tác bộ tiểu thuyết này. Tại sao trong lúc đang bận rộn như vậy anh lại nảy ra ý định đó? Có vẻ như đối tượng của hai tác phẩm này không liên quan đến nhau?
Chúng liên quan đến nhau chứ. Vào thời điểm tôi viết Chuyện về những lăng kính, tôi đã hoàn thành xong phần sơ yếu lý lịch cho các nhân vật. Khi tôi xây dựng một nhân vật thì họ đều có một bản mô tả tương đối chi tiết về cuộc sống, tư tưởng, tôn giáo của họ, về sở thích ăn uống, ngoại hình, thói quen sinh hoạt hàng ngày,… Cái ảnh hưởng nhiều nhất đến cốt truyện vì đây là truyện tâm lý mà, là cái tam quan của nhân vật đấy, cách họ nhìn nhận về cuộc sống, thế giới quanh họ. Có bao nhiêu nhân vật được coi là chính thì tôi đều soạn từng đấy cái lý lịch cho họ. Trong đó có một nhân vật có cách nhìn nhận thế giới mà sau này trở thành nội dung chính cho cuốn “Chuyện về những lăng kính”.
Thời điểm năm 2015 khi mà việc viết tiểu thuyết đang bắt đầu, tôi có gặp một chút bế tắc, việc viết lách không được suôn sẻ, bạn bè mới gợi ý là “hay thử chọn một cái tư tưởng đang có sẵn trong tiểu thuyết này, rồi phát triển riêng ra thành một cuốn”. Nếu xuất bản được thì tốt, còn không được thì cũng là một cách để mình luyện tập. Tôi nghĩ nó cũng đúng. Tư tưởng trong “Chuyện về những lăng kính” vốn là được gán cho một người lớn, tôi cũng muốn thay đổi không khí đi bằng cách là viết thử theo cách cho trẻ em tiếp cận, xem là nó có gì đổi mới được không. Cuốn sách được hình thành nên từ những ý tưởng đấy.
Theo cách tôi hiểu, thì cuốn “Chuyện về những lăng kính” là một giọt được chiết ra từ bộ “Cơn bão cuối cùng”, sau đó thì đem pha loãng ra để dành cho trẻ em. Như vậy thì bộ tiểu thuyết “Cơn bão cuối cùng” hẳn sẽ rất “đặc”? Liệu độc giả có khó khăn gì khi đọc nó không?
Tôi rất là thích cách ví của bạn. Nó là một cái gì đó đặc, cô đọng, mặc dù nó hiện đang rất dài, nhưng tôi thấy nó cũng cô đọng rồi, bởi vì nếu không được tiết chế thì nó còn có thể dài hơn thế nữa. Nhưng dù sao đấy cũng là cách ví của tôi và bạn thôi, còn độc giả thì có thể đối với họ chuyện đó không gây khó khăn gì cả. Càng đi tìm hiểu trong quá trình viết, tôi càng biết chắc là những người hiểu biết hơn tôi thực ra rất đông, nếu không muốn nói là đa số. (Cười). Tôi lạc quan hy vọng và tin là độc giả sẽ thưởng thức tác phẩm này ngon lành.
Trong thời đại hiện nay, văn chương khá là khó bán, mọi người thường thích đọc những gì ngắn thôi. Với một bột tiểu thuyết dài như thế, không biết anh kì vọng gì khi ra mắt nó vào thời gian này?
Có nhiều kiểu kì vọng. Kì vọng về mặt tài chính thì tôi nghĩ là không nhiều, nhưng kì vọng về việc tôi đang làm một cái gì đó có ích, thì có. Bởi vì chỉ cần bộ tiểu thuyết này đến được với tay nhiều người, có thể nó không làm cho mọi người gặt hái được cái gì đó mới, hay hiểu ra một điều gì đó (nói thế lại cao siêu quá), nhưng ví dụ như nếu nó giúp mọi người giải trí thôi cũng được. Mọi người cười phá lên hoặc yêu đời hơn là tôi đã thấy quá trình lao động của mình có ích rồi.
Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện với Chú Lửng Mật!
Bài viết của Chú Lửng Mật
Ảnh: Diều Đơn