Bùi Minh Quân và câu chuyện về Nghề dẫn dắt cảm xúc
Con người chúng ta ai cũng luôn khát khao tình yêu và tìm kiếm “nửa kia” đích thực cùng cái kết viên mãn. Và trong bối cảnh giàu cảm xúc của một đám cưới – nơi hai mảnh ghép chính thức thuộc về nhau – có một người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người này xuất hiện để kể lại cơ duyên gặp gỡ, những hạnh phúc lẫn khó khăn đã kết nối hai con người xa lạ thành một gia đình. Đó chính là người thổi linh hồn và làn gió tình yêu vào đám cưới – người dẫn chương trình trong đám cưới mà Chú Lửng Mật trân trọng gọi tên nghề này là “Nghề dẫn dắt cảm xúc”.
Thân mời độc giả của Chú Lửng Mật cùng trò chuyện với Bùi Minh Quân để thêm hiểu và trân trọng người kể những câu chuyện tình yêu muôn màu.
Xin được bật mí đây cũng chính là một đối tác tiềm năng của Chú Lửng Mật với các sản phẩm nghệ thuật trong tương lai. Trong lúc chờ anh sẵn sàng, chúng ta cùng tìm hiểu công việc hiện tại của anh nhé!
Chú Lửng Mật xin chào và cảm ơn anh Quân đã dành thời gian trò chuyện cùng Chú Lửng Mật. Xin được khởi động với câu hỏi dễ nhất vì chắc hẳn anh vẫn luôn nhớ câu trả lời: “Cơ duyên” nào khiến anh lựa chọn “nghề” dẫn dắt cảm xúc này?
“Lý do đầu tiên thì cũng không bóng bẩy gì, đơn giản là… do “đúng lúc” thôi! *cười* Đám cưới đầu tiên của tôi là một đám cưới cần nói tiếng Anh, giữa hai người khác quốc tịch với nhau, trong đó có một người Việt Nam. Tôi có thể đáp ứng yếu tố ngoại ngữ đó, nên wedding planner (người lên chương trình đám cưới) đã tìm đến. Do đám cưới đầu tiên chưa có tí kinh nghiệm nào nên tôi hoàn toàn làm theo kịch bản của wedding planner cũng như dựa vào câu chuyện của cô dâu chú rể. Qua đám cưới làm theo bản năng đó, tôi quay lại những công việc đi diễn khác và bẵng đi một thời gian không dẫn đám cưới. Khoảng ba năm sau đó, không biết có phải gọi là cái duyên không, thì bạn của cô dâu trong cái đám cưới đầu tiên mà tôi dẫn ấy, lại muốn “chính cái người đó” (là tôi) dẫn cho đám cưới của bạn ấy. Thế là tôi có cái cớ để tiếp tục công việc này.
Sau đó chỉ cần hai, ba đám cưới là tôi đã đọc được cấu trúc dẫn dắt, tuy nhiên với tính cách của mình thì tôi muốn mỗi đám cưới mình dẫn sẽ là điều gì đó đáng nhớ. Nếu tiếp tục theo đuổi công việc này thì chẳng lẽ một trăm đám cưới như nhau đúng không? Tôi về nhà và nghĩ là: Tình yêu rất kỳ diệu. Chẳng có cặp nào yêu nhau lại giống nhau cả. Thế nên tôi mới suy nghĩ là sẽ dành nhiều thời gian với họ trước khi đám cưới của họ diễn ra chứ không chỉ dừng lại ở việc “thời gian địa điểm rõ ràng”, các bên hiện diện ở đó và làm mọi thứ thật chuẩn chỉ. Tôi muốn nghe xem họ yêu nhau thế nào, ý tưởng của họ với buổi hôm đó ra sao, họ có muốn làm điều gì thật riêng không, vân vân. Đấy chính là khoảnh khắc bắt đầu công việc này của tôi.”
Đến bây giờ, anh có nhớ mình đã dẫn bao nhiêu đám cưới không?
“Gần một trăm đám rồi. Tôi không phải là người có hệ thống trí nhớ tốt – tôi sử dụng những phương tiện thông minh và Google calendar chính là người bạn hữu dụng của tôi. Tôi có thể đếm lại năm này tháng này bao nhiêu đấy. Có những tháng không cao điểm thì khoảng 1-2 đám cưới, nhưng có những tháng lên đến 10-12, hoặc rất là căng thì 13. Nếu không tính hai năm covid thì tôi tính trung bình một tháng tôi dẫn khoảng 10 đám cưới. Không phải khá nhiều mà là rất nhiều.”
Vâng quả là rất nhiều. Vậy để chuẩn bị cho một đám cưới, anh phải mất bao lâu và làm những gì?
“Hàm lượng cảm xúc và năng lượng của một người dẫn chương trình theo cách tôi muốn đặt vào cũng là rất nhiều. Bởi người dẫn chương trình đám cưới không chỉ đơn giản là kể câu chuyện tình yêu, mà còn phải kết nối được ở phần after party (quẩy sau tiệc). Mình giống như một người kể chuyện cười, một người ca sĩ hát được bài này bài kia, một người tổ chức những trò chơi thoả được điều cô dâu chú rể mong muốn. Mỗi cặp đôi lại có chuyện tình với những khúc khuỷu riêng hay nút thắt đặc biệt khác nhau nên đám cưới của họ phải tái hiện được những khoảnh khắc đấy.
Để chuẩn bị thì tôi thường chỉ cần một buổi cà phê với cô dâu chú rể, và một buổi tập dượt (nếu có, và nên có) sau đó đến lễ cưới luôn được rồi. Tôi gặp cô dâu chú rể để xem “tần số” của tôi với họ có rung động cùng nhau không, họ có cởi mở về câu chuyện cá nhân với mình không. Không phải mình cần thông tin để viết lại chuyện tình hay truyện ngắn gì cả, mà sau câu chào đầu tiên trong đám cưới mình phải dành lời cho nhân vật chính chứ! Sẽ có những người yêu xa, có người ly dị rồi cưới lại, có những người yêu nhau hơn 10 năm, có người yêu nhau 1 tháng cưới, có những người đẻ con rồi mới cưới, có những người không đẻ con mà chỉ nuôi chó nuôi mèo, hay chú rể phải “chiến đấu” và rất xứng đáng có được cô dâu… Những chi tiết nhỏ đó làm mỗi đám cưới đều khiến tôi không thể quên được và tôi sẽ đưa những điều đó vào trong đám cưới của họ. Tất nhiên tôi không phải là phóng viên đi phỏng vấn các cặp đôi và kể lại câu chuyện đó từ đầu đến cuối, mà tôi sẽ ghi nhớ những ấn tượng đặc biệt để lựa chọn những từ vựng, những hình ảnh liên quan và hoạt động phù hợp đưa vào đám cưới.”
Chú Lửng Mật thật sự tò mò, muốn được tham dự thử một đám cưới do anh dẫn! Trái đất tròn lắm nên ngày ấy chắc là không xa. Trong lúc chờ, mong anh hé lộ một vài kỷ niệm vui mà anh nhớ nhất trong khâu chuẩn bị!
“Được chứ. Ví dụ có cặp đôi cả hai bạn đều là vũ công, lời dẫn của tôi sẽ liên quan đến sự chuyển động về cơ thể, sự đồng điệu về suy nghĩ và tiết tấu, giai điệu. Có cặp đôi cả hai bạn đều làm khoa học, nghi lễ kết đôi của hai bạn là đổ hai chất hoá học vào với nhau tạo thành một chất kết tủa rất đẹp. Các bạn ấy đã tìm ra được công thức để “chứng minh” tình cảm dành cho nhau và cho mọi người thấy không phải cứ làm khoa học là khô khan. Đây là phần tôi rất thích vì tôi được tư vấn cho họ những điều vượt ra ngoài các nghi thức truyền thống và luôn là cơ hội cho tôi sáng tạo.
Một ví dụ khác là làm nghề này rất hay được đi các tỉnh thành phố, hôm đó tôi tới Buôn Mê Thuột, cô dâu chú rể đón tôi bằng sự nồng hậu và mời tục lệ uống rượu cần. Lúc đó tôi rất vui và đã đề xuất nghi lễ kết đôi của hai bạn là uống rượu cần thay vì tưới cây. Đó vừa là phong tục tập quán, vừa là một nghi lễ kết đôi không thể nào đặc biệt hơn.
Một cặp đôi tôi thích nhất, có lẽ là khó nhất, là cặp đôi làm kế toán kiểm toán. Lúc họ làm nghi lễ kết đôi, tôi đã đưa ra bảng cân đối kế toán (balance sheet trong ngạch của họ), và họ có nhiều hạng mục phải cân đối để bằng 0. Tôi đưa cô dâu chú rể mỗi người một bảng, và những con số họ phải tính toán để điền vào những dòng đó thực ra là ngày sinh nhật của người còn lại.
Nói chung đây là điều tôi rất thích ở phần lễ, bên cạnh những lời thề nguyện (vows).”
Ở trên anh có nhắc đến phần after party (quẩy sau tiệc). Phần này chắc hẳn rất thú vị?
“Ngoài việc tóm lược câu chuyện của cặp đôi ở phần lễ thì phần sau tiệc cưới cũng là công việc khiến tôi thấy tự hào. Đây là phần gói gọn lại cảm xúc của đám cưới sau phần trang trọng khi các bạn đọc vows hay thực hiện nghi lễ kết đôi, bởi cặp đôi nào cưới nhau cũng muốn về bên nhau vui vẻ, hoan hỉ nên chúng ta phải chơi game (trò chơi)! Không phải game để sát phạt hay yêu cầu nhau uống rượu mà là để tiết lộ ra những câu chuyện của dâu rể và để khách mời thấy mình là một phần của đôi uyên ương này.
Trong suốt mấy năm đi dẫn thì có khoảng 10 trò chơi tôi rất thích, tôi mua đạo cụ riêng, tôi học từ nhiều chương trình để ứng dụng cho mình. Ví dụ ở đây tôi có chiếc bình này để ở bàn check-in và với rất nhiều tờ giấy màu. Hoặc tôi sẽ đi từng bàn trong lúc diễn ra tiệc để đưa cho khách mời, yêu cầu họ viết vào đó một kỷ niệm “vô tiền khoáng hậu” khiến bạn có thể khóc được, cười được hay chỉ bạn có với cô dâu chú rể. Đến phần game, sau khi chơi những trò chơi cổ điển như shoe game, tôi sẽ đọc những kỷ niệm này lên và cho cô dâu chú rể “thanh minh” thêm, hoặc “lao xuống” với khách để họ “bào chữa” cho những điều cô dâu chú rể vừa chia sẻ. Đôi khi họ còn chủ động… cướp mic của tôi để bày tỏ cảm xúc. Trò chơi này làm cho mọi người có lúc cùng cười phá lên, có lúc lại rơm rớm nước mắt vì được ôn lại kỷ niệm dâu rể gắn với khách mời. Và cuối cùng là đến màn tung hoa của cô dâu, tuy nhiên tôi hay tư vấn hai cách này, thay vì tung hoa như cách chúng ta hay biết. Một là buộc những sợi ruy băng nhiều màu vào bó hoa, mọi người sẽ lên chọn màu mình thích. Sẽ chỉ có một sợi dây được buộc vào bó hoa thôi, còn lại mọi người kéo sẽ tuột ra hết. Hai là tôi khoá bó hoa bằng một ổ khoá nhỏ và sẽ có rất nhiều chiếc chìa khoá này, tất nhiên là chỉ có một chiếc mở được thôi. Tôi sẽ thả hết chìa khoá vào một bình to bỏ chung với nhiều đá lạnh – bởi “đường vào tim em ôi băng giá” – để có được hạnh phúc và may mắn thì bạn phải vượt qua khó khăn thử thách! Và mọi người cũng sẽ rất vui vì cơ hội cho mỗi người là ngang nhau, không ai phải tranh nhau để có được bó hoa. Đám cưới trọn vẹn thường là kết thúc ở đấy.
Đó cũng là đám cưới mà tôi mong muốn được dẫn. Từ sự xúc động, chân thật ở nghi lễ với những dư vị của rượu, bánh ngọt và dẫn đến những trò chơi sau tiệc cưới khiến mọi người hân hoan và gắn kết. Tôi cũng rất thích những đám cưới hai quốc tịch, đây cũng là nơi tôi được trở thành đại diện văn hoá kết nối hai gia đình với nhau.
Đấy, để làm được như vậy thì không thể không cà phê bàn trước với họ đúng không?”
Chà, càng nghe chúng tôi càng tò mò hơn. Để xem trong đàn lửng có ai sắp cưới không nào! Ơ nhưng mà với sự chuẩn bị kỹ càng và lịch trình dày như vậy, chắc anh cũng có những lúc buộc phải từ chối?
“Có chứ! Có một lần đỉnh điểm tôi phải đi diễn liên tục 4-5 ngày liền. Trước đó tầm 1 tháng có wedding planner gọi điện, check lịch dẫn sau ngày đó. Tôi nghĩ mình không kham nổi nên đã từ chối vì tôi muốn hôm đó nghỉ ngơi cho lại sức. Thế nhưng sau đó cô dâu trực tiếp liên hệ qua Facebook. Lúc đó tôi đã nghĩ lại là mình không nên vội vàng, mà nên xem xét kỹ hơn. Tuy nhiên sau khi cân nhắc thì tôi vẫn từ chối và đã xin phép cô dâu không nhận đám cưới. Ngay sau đó thì chú rể đã trực tiếp gọi cho tôi và chia sẻ rất chân thành về việc vợ sắp cưới mong muốn được tôi dẫn dắt đám cưới như thế nào, và chỉ cần cô dâu được toại nguyện thì điều gì bạn ấy cũng làm nhưng nếu tôi không nhận thì bạn ấy cũng không thay đổi được gì cả. Thế là tôi lại quyết định đi cà phê, để xem hai bạn ấy thế nào. Và đúng là câu chuyện của hai bạn cảm động thật. Điểm khiến tôi vui là họ rất yêu nhau. Chú rể tuy không nói nhiều nhưng ánh mắt nhìn cô dâu rất yên tâm và yêu thương, như là: Em muốn làm gì cũng được, anh sẽ giúp em làm được điều đấy. Đám cưới hôm đó diễn ra rất nhẹ nhàng và chuẩn mực, hai bạn đọc lời thề nguyện vừa cảm động vừa hài hước, những người tham dự cũng có lúc cùng cười phá lên nhưng cũng có đoạn khóc theo, mọi thứ diễn ra rất đẹp. Sau đám cưới đó thì tôi nhận ra là mình suýt nữa từ chối một điều, đó là hạnh phúc. Đôi khi câu chuyện hạnh phúc làm những điều mệt mỏi tan biến.
Tuy vậy cũng có rất nhiều lần tôi phải từ chối hẳn vì không hợp “vibe” (sự đồng điệu) với cô dâu chú rể. Tôi có một album ảnh dẫn cưới để chia sẻ cảm xúc trên facebook, khi các cặp đôi tìm đến tôi và hỏi thì tôi cũng nhiệt tình giới thiệu album này đến họ để họ tìm hiểu về con người tôi, cách tôi dẫn dắt đám cưới. Thế nhưng có rất nhiều cô dâu chú rể không muốn dành thời gian xem, ngồi cà phê hay video call. Một số gia đình thì chỉ quan tâm xin báo giá. Đấy là hai trường hợp tôi đành phải từ chối, vì tôi hiểu rằng thực ra họ cần một vị trí khác, không phải mảng tôi đang phục vụ. Hồi đầu tiên tôi cũng rất buồn vì công việc của mình bị nhìn nhận phiên phiến, qua loa. Sau đó tôi nhận ra, nếu mình muốn định nghĩa nghề “dẫn dắt cảm xúc” khác với những gì mọi người thường nghĩ về MC đám cưới, thì mình phải cố gắng chăm chỉ hơn thôi.
Cách nhìn phổ biến về MC là một ai đó xuất hiện đúng ngày giờ địa điểm và nói trôi chảy, đúng kịch bản là được. Công việc đó đơn giản là khác với công việc của tôi. Ví dụ thế này: Nếu gia đình muốn trang trí hoa hồng nhưng lại liên hệ cửa hàng chuyên hoa lan, thì là không hợp lý, cả hai bên sẽ không tìm thấy tiếng nói chung. Tuỳ xem từng cặp đôi mong muốn lưu tâm vào phần nào của tiệc cưới, nếu họ chú trọng phần khác, không cầu kỳ về người dẫn, thì tôi sẽ từ chối để dành tâm huyết cho những cặp đôi cần mình hơn. Sức người có hạn nên đó cũng là chuyện thường tình, các bên đều vui vẻ, đều được đáp ứng nhu cầu.
Hiện nay có rất nhiều khái niệm cưới mà các bạn cũng muốn tự định nghĩa, muốn làm cho thật đáng nhớ và mới mẻ, như đám cưới ở một nơi xa hay đám cưới sân vườn riêng tư. Tôi rất vui khi có thêm nhiều khách hàng quan tâm đến vai trò của người dẫn dắt cảm xúc trong đám cưới của mình. Nói chung, tôi luôn mến những người chủ động tìm hiểu về tôi, sau đó tôi sẽ là người dành thời gian hết mình cho họ. Đối với tôi làm gì cũng nên có hai chiều như vậy, dành tình cảm, thời gian và sự trân trọng cho nhau.”
Đám cưới thì đương nhiên là vui nhưng chúng tôi xin phép hỏi câu này hơi khiêu khích: Anh có nhớ kỷ niệm nào buồn không?
“Trong nghề này, kỷ niệm buồn thường khó nhớ, bởi vì mọi tiệc cưới đều kết thúc với niềm vui viên mãn. Đó đương nhiên là điều mà không chỉ gia đình, cô dâu chú rể, mà cả các đơn vị phục vụ cũng mong muốn, nên ai cũng vun vào, gạt đi những điều chưa được như ý. Mình có mặt để làm chất xúc tác cho niềm vui nhân lên, thì mình phải là người đầu tiên không được buồn.
Như đã nói trên, thời gian đầu vào nghề, nhiều cặp đôi chỉ yêu cầu tôi nói đúng các bước, không cần kịch bản phức tạp, không cần tham gia điều tiết bầu không khí. Họ kỳ vọng như vậy nên trước, trong và sau tiệc cưới, nhìn chung họ không lưu tâm đến tôi. MC cũng chỉ như bộ loa, cái máy chiếu, không có thì hơi thiếu nhưng có chỉ để “đủ bộ”. Lúc đó tôi cũng hơi buồn vì không được cống hiến nhiều hơn dù ban đầu mình rất tâm huyết. Nhưng đó cũng là do chính tôi chưa tự cắt nghĩa được xem mình muốn làm gì, mình có thể làm gì và mình nên truyền đạt điều đó ra sao để khách hàng đưa ra lựa chọn đúng. Làm một thời gian, tôi có một cái nhìn rõ nét về nghề dẫn dắt cảm xúc. Tôi hiểu rằng để những khách hàng mục tiêu trong tương lai “nhắm trúng” mình, bây giờ mình cũng cần “nhắm trúng” họ. Hai bên cùng phát ra tín hiệu thì mới tìm được nhau. Tìm được nhau rồi thì từ từ cái nghề mình yêu thích sẽ được số đông ghi nhận sự tồn tại. Khi đó sẽ tự khắc hết buồn.”
Chúng tôi mong và tin rằng sẽ sớm đến ngày anh luôn vui khi đi làm, dù chắc là hiện tại thì anh đã vui lắm rồi. Năng lượng tích cực từ anh dễ lây thật đấy. Đây có phải một “sở trường” của anh không?
“Tất nhiên là tôi muốn lan tỏa niềm vui nhưng song song tôi cũng nhận lại nhiều từ mọi người chứ! Đi dẫn cưới thì đâu phải đám nào cũng như nhau. Có những đám thì mình rất thanh lịch, nhẹ nhàng, nhưng có những đám thì mình phải đốt cháy mình 100 đến 150% năng lượng. Tôi cũng là một người ca sĩ đi hát. Đối với những cặp làm tôi xúc động thì tôi cũng tạo bất ngờ cho họ bằng một, hoặc hai bài hát. Và họ cũng rất xúc động vì điều này. Người MC đám cưới đối với tôi là phải biết kể chuyện, phải duyên, phải nghe được cảm xúc của cô dâu chú rể cũng như nhận biết được tính cách bạn bè của cô dâu chú rể và phải gây được ấn tượng tốt với họ. Giả dụ một tuần đi dẫn 5 đám, cứ cho mỗi đám khoảng 50 người đi, thì một tuần tôi phải tạo ấn tượng tốt với 250 người khác nhau và phải làm cho nhóm nào cũng yêu quý mình. Đêm về nghỉ ngơi, mình có cảm xúc gì cũng phải “refresh” (thanh lọc) lại như mới, như một trang giấy trắng để tiếp tục vào hôm sau. Tôi thấy đây là một công việc lao động xứng đáng, có ích và không hề dễ dàng như nhiều người tưởng. Tôi yêu công việc của mình vì nó cho tôi được thoả mãn những kỹ năng của tôi, được chung vui, và được cả thu nhập nữa *cười*. Bên cạnh đó khi lắng nghe câu chuyện của các cặp đôi tôi cũng nhận ra nhiều điều về tình yêu. Có những cặp mình thấy rõ họ rất trân trọng tình yêu và không bao giờ từ bỏ niềm tin của mình. Năng lượng của họ “lây” cho tôi. Những trường hợp như thế cũng nhiều lắm!”
Anh có trăn trở gì đối với bản thân công việc này cũng như tương lai của nghề này không?
“Rất nhiều cặp cô dâu chú rể thuê wedding planner làm từ A đến Z, và giữa cái A và cái Z ấy, họ nghĩ vai trò của “ông MC” chỉ là trang trí thôi, kiểu như một bông hoa ấy. Có nhiều đám cưới bây giờ rất đẹp, đẹp như từ cổ tích bước ra nhưng hồn thế nào thì không ai biết. Người ta thấy cô dâu chú rể khóc thì nghĩ là họ yêu nhau nên cảm động, nhưng phải có người tác động chứ! Những bông hoa hay âm thanh ánh sáng là một phần nhưng giả sử “ông MC”… vô duyên thì làm sao mà họ có thể sống trong giấc mơ của mình?
Tôi thấy để làm tốt công việc của tôi không hề dễ, đặc biệt là trong những phần xử lý tình huống, thế nhưng nhiều người có tên tuổi trong nghề MC lại bảo họ không bao giờ đi dẫn cưới, tức là họ coi nghề dẫn cưới là rất thấp trong ngạch dẫn chương trình. Mặc dù có những suy nghĩ khác nhưng tôi cũng chấp nhận là nghề này cần thời gian để tự chứng minh giá trị của nó.
Wedding planner mới là những người làm tôi trăn trở nhất. Cô dâu chú rể sau đám cưới trông đợi nhất là video và ảnh. Tất nhiên người dẫn dắt cảm xúc trong đám cưới như tôi chỉ là “chốt cuối” thôi, còn trước đó có rất nhiều công đoạn khác như chụp ảnh, quay phim, địa điểm, trang trí. Có nhiều wedding planner sau khi edit xong lại không bao giờ đăng ảnh tôi hay nhắc tên tôi vào trong các bài đăng. Họ không đề cập ai là người tạo ra những “moment” (khoảnh khắc) trong đám cưới ấy. Người “story teller” (kể chuyện) này phải là người có đủ năng lực để truyền tải và làm nổi bật câu chuyện của họ trong ngày trọng đại của họ, nhưng wedding planner lại “bán” những người làm nghề như tôi như một tệp đính kèm chỉ chuyên nói, hay như những mắt xích hiển nhiên trong đám cưới thôi. Thế nên mới có câu chuyện cô dâu chú rể chỉ quan tâm báo giá như tôi có kể ở trên. Gần ngày cưới, cô dâu chú rể rất bận và trong nhiều trường hợp, họ chỉ có thể làm việc với một đầu mối duy nhất, chính là wedding planner, nên wedding planner sẽ là cầu nối, giải thích cho khách hàng biết họ có thể nhận được những gì. Nếu trước đó cô dâu chú rể không tự biết, mà wedding planner không tư vấn gì thêm, thì làm sao cô dâu chú rể có đủ tâm trí để hỏi kỹ về từng thứ được. Tôi biết với một số cặp đôi, giá tiền không quan trọng và họ luôn muốn điều tốt nhất cho dịp trọng đại, nên thậm chí đôi khi giá càng cao họ lại càng yên tâm, dù họ chỉ cần MC làm tròn việc tối thiểu. Trong khi tôi thì quan trọng các bạn yêu nhau thế nào, có ghét cắt bánh rót rượu không, có muốn thêm vào dấu ấn gì không, vân vân. Nhiều cô dâu chú rể sau đám cưới thì quên luôn về tôi, nhưng thật may là vẫn có những người sau đó tìm đến để giới thiệu tôi cho những đám cưới khác. Đây cũng là tín hiệu tích cực, để tôi có thêm động lực cố gắng *cười*.”
Trò chuyện đến đây cũng đã dài rồi. Hy vọng Chú Lửng Mật cũng được hân hạnh góp phần làm một “cầu nối”, để các khán giả sắp cưới của chúng tôi biết thêm về nghề dẫn dắt cảm xúc. Đúng là khi lưu tâm hơn đến vị trí người dẫn, cô dâu chú rể sẽ biết mình có thể lựa chọn điều gì để ngày cưới được hạnh phúc trọn vẹn hơn nữa. Điều đó thật tuyệt đối với cả các “nhân vật chính” lẫn với những người tâm huyết với nghề như anh. Nhân đây, anh có muốn chia sẻ gì thêm về nghề này không?
“Mỗi thể loại chương trình lại đòi hỏi những phẩm chất, kỹ năng riêng của một người MC. Nhưng đối với đám cưới thì việc đọc tình huống hay hứng thông tin từ tất cả những vị khách mời, tôi hay gọi chung là xử lý tình huống, là muôn hình vạn trạng và không bao giờ giống nhau. Mọi thứ diễn ra đều khó kiểm soát và có những tình huống giá trị xảy ra bất ngờ, mà người dẫn chương trình có đủ bản lĩnh và tinh tế để xử lý hay không thì đều nằm ở đấy. Ví dụ như sau khoảnh khắc cô dâu chú rể đọc vows, MC sơ kết vows đối với tôi là phải nắm bắt được từ khoá mình thích ở đó để thể hiện mình trân trọng và có lắng nghe hai bạn. Hay khoảnh khắc bố trao tay con gái cho con rể, bố khóc hay bố đi thẳng luôn, hay bố có lời muốn gửi gắm,… MC có nắm bắt được để đưa cảm xúc của mọi người lên hay không mới là điều khó. Không phải MC nào cũng chú ý và khéo léo với những tiểu tiết để làm được điều đó. Hay có những khoảnh khắc cô dâu chia sẻ thêm nhiều hơn sau tiệc thì tôi cũng sẽ muốn theo cái nhịp đó để đi cùng họ chứ không phải bỏ qua và đi tiếp đến lời chúc khác chẳng hạn. Hoặc có những lúc chú rể “khóc nhè” thì tôi cũng phải xử lý thật tinh tế.
Đấy, nhìn chung là sẽ có những tình huống hay để mình xử lý và đây cũng điều khiến tôi thích thú với công việc của mình. Và cũng nhờ có công việc này mà một trong số những khách dự đám cưới tôi dẫn đã hỏi tôi có dẫn những thể loại chương trình khác không, thế là từ đám cưới tôi đã được tham gia những chương trình khác. Ví dụ gần đây là chương trình Soul of The Forest, nơi mà tôi được gặp chị Hà Trần, chú Bằng Kiều, chị Lệ Quyên cùng nhiều ngôi sao hạng A của Việt Nam và được trò chuyện với họ. Tôi cũng được quay lại làm ca sĩ sau những đêm nhạc đó với một đêm diễn mà tôi được may mắn hát cùng anh Lân Nhã. Cứ cố gắng hết sức, hết lòng, thì mình sẽ nhận được nhiều quả ngọt khác. Chúng ta không bao giờ biết được khi đối diện với công việc, khán giả của mình là ai. Nếu coi thường công việc của mình và nghĩ là nó không xứng đáng được tôn trọng, thì tôi sẽ không bao giờ làm nó một cách tự hào đến như vậy và để nó dẫn đến những cánh cửa tiếp theo trong cuộc đời mình.”
Chú Lửng Mật xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện và chia sẻ về nghề dẫn dắt cảm xúc trong đám cưới. Xin chúc anh sẽ luôn thành công và tạo được thêm nhiều dấu ấn riêng trong nghề!
Thực hiện: Ekip Chú Lửng Mật
Hình ảnh: nhân vật cung cấp