Câu chuyện đằng sau những chiếc bìa của “Cơn bão cuối cùng”
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Nhưng mà tốt hết vẫn hơn thật mà!”
Bộ tiểu thuyết “Cơn bão cuối cùng” là một ví dụ. Từ câu tục ngữ của các cụ, chúng tôi nhanh chóng phải thốt lên câu thứ hai, khi nhận được 10 file ảnh từ hoạ sĩ vẽ bìa.
“Đây là tranh chứ có phải bìa đâu nhỉ?”
Đội ngũ Chú Lửng Mật ban đầu thắc mắc. Dù công ty còn non trẻ, đa số chúng tôi đều xuất thân từ thị trường sách. Nếu nói chưa ai từng nhìn thấy một file bìa sách thì chắc chắn là nói điêu. Vậy mà chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
Khi xem file bìa, chúng tôi thường dễ dàng nhìn ra tay gấp, bìa một (bìa trước), gáy sách và bìa bốn. Ở 10 tác phẩm này, những thành phần trên vẫn hiện ra, nhưng mà nó lạ lắm. Đối với chúng tôi thì đó là mười bức tranh hoàn chỉnh, cả về bố cục, hình hoạ, bố cục màu, lẫn cái “bầu không khí”.
Tất nhiên, theo cách nói của một hoạ sĩ nghiêm túc, sẽ là hơi vội vàng khi gọi đó là những “tác phẩm tranh”, nhưng chúng tôi tin chắc, cả mười sản phẩm này đều ít nhất xứng tầm gọi là phác thảo chất lượng để có thể phát triển thành tác phẩm hội hoạ. Song, hoạ sĩ vẽ bìa buộc phải dừng ở mức độ này, vì nếu triển khai thêm bất cứ chi tiết nào trong tranh thì chúng sẽ thành hơi “tham” (so với bìa sách).
Vừa đủ mới tốt, chứ nhiều quá lại thành dở. Huống hồ, cái bìa thì còn cần chữ, tên, logo, mã vạch, vân vân. Nếu không biết tiết chế phần tranh, tổng thể nhìn sẽ rất rối.
“Ủa thế đây là bìa thật phải không?”, chúng tôi nhìn nhau.
“Chắc không phải copy trên pinterest đâu nhỉ?”
Tiếp theo đến giai đoạn phản biện.
Chúng tôi nhanh chóng gạt đi hoài nghi nói trên, bởi nếu mười bức tranh đó đã từng xuất hiện trên mạng, hẳn chúng đã nổi tiếng đến mức không ai dại gì lại đi ăn trộm. Ăn trộm mà dễ thế thì thà “xin” luôn tranh Cezanne hoặc Gauguin cho rồi, bao đẹp, khỏi bàn cãi.
Độc giả, ở mọi thời, có rất nhiều người kiến văn quảng bác. Bìa sách ăn trộm ở đâu, thậm chí chỉ na ná, dù có sửa cách nào, họ cũng sẽ nhận ra. Nếu ngay cả chúng tôi còn bóc tách được (liền đó là bóc mẽ), thì chắc hẳn các độc giả tiềm năng ngoài kia sẽ phát hiện ra trong một tích tắc. Chúng tôi (và hoạ sĩ mà chúng tôi gửi gắm) đương nhiên không cẩu thả đến vậy.
Hơn nữa, kiếm đâu ra mười bức tranh có chủ đề trùng khớp như thế?
Đây quả thực là những sản phẩm được “may đo” cho bộ tiểu thuyết. Từng bìa đều nêu lên được ít nhất một chi tiết tiêu biểu trong nội dung bản thảo. Có khi là một nhân vật, có khi là một bối cảnh, một không gian, một món đồ, có khi là một tư thế. Hoạ sỹ vẽ bìa không chỉ thể hiện tốt phần thị giác. Người đó còn phải cực kỳ tâm huyết, đến độ đọc kỹ bản thảo trước khi khai bút.
Mà nếu may mắn tìm được mười bức tranh có nội dung y chang cái điều cần minh hoạ trong bản thảo, thì tại sao chúng lại “vô tình” thành một bộ?
Đúng vậy, chúng không chỉ đẹp một cách quá đáng, không chỉ liên quan mật thiết tới nội dung bên trong, mà còn đồng bộ về phong cách.
Chúng được tạo ra từ những màu sắc tương đối đa dạng. Có những cặp hai, hoặc ba bìa, thậm chí còn khác xa nhau về màu. Ấy vậy mà bất cứ ai, chỉ cần có kiến thức hội hoạ ở mức độ phân biệt được xanh và đỏ, đều dễ dàng nhận ra: Mười bức tranh này là anh em một nhà.
Chúng vừa có điểm riêng, vừa có nét chung. Chúng vừa phong phú, lại vừa thống nhất.
“Vậy bây giờ nói thế nào với tác giả đây?”
Chúng tôi tiếp tục trăn trở.
Tác giả Nguyễn Lê Sang, một cách dễ tính, trước đó đã chia sẻ: “Tôi không cầu kỳ về bìa, miễn sao các bạn thấy vừa mắt, thu hút, phục vụ tốt cho việc bán. Tôi chỉ là người viết. Với tôi thì những cái bìa đơn giản cũng được, chứ đòi hỏi nhiều lại thành khó cho cả hai bên.”
Thế nhưng bìa đã trót đẹp rồi, muốn xấu cũng không được nữa. Giờ chính là lúc chúng tôi viện dẫn đến câu “Nhưng mà tốt hết vẫn hơn thật mà”. Chúng tôi không muốn tác giả hiểu lầm, rằng những cái bìa cần phải đẹp để bù đắp cho nội dung, hoặc để trở thành chiêu trò.
Hơn ai hết, thậm chí hơn cả tác giả (vì có góc nhìn khách quan), chúng tôi hiểu giá trị của bản thảo “Cơn bão cuối cùng”. Không một phút nào, giây nào, đội ngũ Chú Lửng Mật lo sợ về việc độc giả sẽ thất vọng khi thấy nội dung chưa tương xứng với bìa.
Chúng tôi chỉ còn biết thành thực thở phào, tạ ơn trời đất, vì được làm nhân chứng cho một pha kết hợp hoàn hảo giữa “gỗ” và “nước sơn”.
Tác giả lập tức ưng ý khi nhận được bộ bìa. Anh đã gửi lời cảm ơn, không chỉ vì những chiếc bìa đẹp, mà vì anh biết rằng hoạ sĩ vẽ bìa thật sự đã đọc tác phẩm của anh. Anh vui vì đàn con tinh thần của mình đã được khoác những chiếc áo cũng dệt nên từ tâm huyết.
Chú Lửng Mật thì vui vì được làm việc cùng những người nghiêm túc với nghề!