NHỮNG GAM MÀU CỦA “CƠN BÃO CUỐI CÙNG”
Có lẽ những ai rành đọc và chọn sách đều đã trở nên thuần thục trong việc cưỡng lại những cám dỗ đẹp đẽ của những bìa sách mỗi lần dạo bước đến bất kỳ một hiệu sách nào. Họ đã nằm lòng một quy tắc ngầm “Đừng đánh giá một cuốn sách qua vẻ bề ngoài”. Nhưng chúng tôi cho rằng bộ sách “Cơn bão cuối cùng” là một trường hợp ngoại lệ. Vì cách đọc chúng mang đầy cảm hứng ngẫu nhiên, bạn có thể tự chọn đầu sách mình muốn để mở đầu cho thế giới tâm lý đầy lôi cuốn sau này. Nếu như không thể chọn cuốn sách để bắt đầu, Chú Lửng Mật xin phép giới thiệu đến bạn một cách chọn đọc mới qua kết nối chính mình với các gam màu từ bữa tiệc màu sắc trên những bìa sách.
10 tấm bìa của bộ tiểu thuyết, nếu kết hợp lại, sẽ tạo thành một palette màu hài hoà và đa dạng như chính sự độc đáo của thiên tiểu thuyết này. Nhưng nếu chiêm ngưỡng màu sắc và hình ảnh được tiết lộ trên bìa của từng cuốn, bạn còn có thể khám phá được phần nào tính cách của từng nhân vật (mà phải chăng đây cũng là không khí bao trùm hồi ức của chín nhân vật?). Đó có thể là sắc màu một buổi bình minh tràn trề hy vọng của nhân vật Tuấn – người đàn ông hết mực yêu thương vợ con trong “Bản tụng ca niềm vui”, hay là màu tím ma mị, bí ẩn, nhưng cũng không kém phần gay gắt, quyết liệt của “Cô nàng một nửa” tên Hương, hoặc là sắc đỏ dữ dội như cuộc tìm kiếm câu trả lời của Tiến cho câu hỏi “Ai là ai, yêu ai?”… Bằng cách tìm ra sợi dây kết nối giữa cảm xúc và mỗi bìa sách, hành trình mang tên “Cơn bão cuối cùng” của mỗi độc giả sẽ bắt đầu theo cách độc đáo và hấp dẫn không tưởng.
1. Tiến
Sắc đỏ rực cháy như một ngọn lửa nuốt trọn cuốn hồi ức “Ai là ai, yêu ai?”. Liệu có câu trả lời nào cho một câu hỏi kỳ lạ với tận ba lần “ai” kia không? Sự dữ dội, nồng cháy của màu đỏ có lẽ cũng đã nói trước rằng việc tìm kiếm câu trả lời kia chẳng hề dễ dàng, phần nguy hiểm và còn bất khả thi. Hình ảnh nhân vật Tiến càng đáng chú ý hơn khi anh đứng hút thuốc bên cạnh một gốc cây có sẵn dây treo cổ, phía bên kia bờ vực là hai can bia mát lạnh. Màu đỏ càng như giục giã: Tiến sẽ lựa chọn điều gì?
2. Vinh
“Ta đang thực sự “sống về” điều gì?” là một câu hỏi lớn lao và đầy trăn trở. Cuốn hồi ức của Vinh đặt ra một câu hỏi quả thực rất phức tạp vì lẽ sống là điều ta phải dành cả đời mới nghiệm ra được. Bởi vậy nên bìa cuốn hồi ức được phủ một màu vàng đầy kích thích, tạo cảm hứng cho sự chiêm nghiệm và lắng đọng tưởng chừng như đến tầng sâu nhất. Ánh mắt người đọc sẽ bắt gặp một bóng người (liệu đó có phải là Vinh?) trầm tư suy nghĩ, cảm tưởng như anh đang chìm trong suy ngẫm của chính mình trong một căn phòng vàng rộng vô hạn. Nhưng màu vàng ấy còn có một khía cạnh khác. Nó còn khắc hoạ trải nghiệm ấm cúng mà nhân vật ấy đã từng “sống về” một lần trong ký ức tuổi thơ.
3. Linh
Có hai loài vật cùng họ nhưng lại có những tính cách khác nhau xuất hiện trên bìa của “Vụ bắt cóc thứ hai”: loài hổ hoang dã và to lớn đang đối đầu với một chú mèo nhà nhỏ bé. Một bên tạo cảm giác đe doạ, nguy hiểm nhưng cũng đầy bí ẩn và mê hoặc; bên còn lại là sự an toàn và thân thuộc mà lại ẩn giấu nhiều sát khí. Đó cũng là những hình ảnh ẩn dụ cho những gì nhân vật Linh phải đối mặt. Bởi cuộc điều tra vụ bắt cóc người bạn thân tên Hiền không chỉ bao gồm sự dấn thân đầy hiểm nguy để lần tìm những manh mối bất ngờ, mà chính nhân vật Linh cũng đang là nạn nhân của một vụ bắt cóc trong tâm trí. “Vụ bắt cóc thứ hai” sẽ không chỉ là một cuốn hồi ức thông thường mà còn mang hơi hướm của một cuốn trinh thám hấp dẫn.
4. Chi
Trong bảng palette màu đặc sắc của “Cơn bão cuối cùng”, “Kể từ ngày voi húc” là cuốn sách với hai tông màu nổi trội nhất khi khung cảnh hiện lên trên trang bìa là một nền trời đen đặc bao trọn một biển hồng. Giữa những mảng màu rộng lớn ấy, có lẽ nhiều bạn sẽ bỏ lỡ một chi tiết nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng: chiếc đèn bão nhỏ nhoi tượng trưng cho niềm hy vọng bé nhỏ mà kiên định cho cả địa cầu của Chi. Giữa những toà nhà ngập trong mặt nước đen ngòm, ánh sáng le lói vẫn phát ra từ ngọn đèn của bão ấy. Cô đang ngồi trên mái nhà để chờ đợi điều gì?
5. Tuấn
Hệt như ý nghĩa của cái tên “Bản tụng ca niềm vui”, bìa của cuốn hồi ức này là một bức tranh chan chứa hạnh phúc từ sắc màu của một buổi bình minh tươi sáng. Phía góc sách, ta bắt gặp ánh nhìn xa xăm về phía chân trời mới của Tuấn, tựa như nung nấu những quyết tâm và nỗ lực để xây dựng một tương lai tươi đẹp cho những người anh yêu thương. Trên tay của người chồng, người cha hết mực thương yêu gia đình ấy vẫn nắm chặt một loại dụng cụ lao động, không hề nao núng khi đối mặt với thảm họa.
6. Hương
Một làn sương khói tím, ma mị và mơ hồ bao trùm lên trang bìa của “Cô nàng một nửa”. Giữa những mảnh vương gỡ, màu đỏ gắt ở chính giữa ngay lập tức trở thành một vòng xoáy đầy ma quái hút mắt người xem; khi là câu chuyện có liên quan đến cái chết, sắc đỏ gắt càng làm gia tăng độ nguy hiểm và bí ẩn cho cuốn hồi ức của Hương. Trong câu chuyện, cô thuật về quá trình phạm tội và tự đẩy mình vào bước đường cùng. Nhưng ẩn sau những tội lỗi ấy là một câu chuyện về sứ mệnh thiêng liêng mà Hương đã luôn cố gắng sống quyết liệt để hoàn thành được nó.
7. Hiền
Bìa của tập hồi ức “Hay là thôi, đừng đọc” có hai sắc màu nổi bật: xanh và cam. Tưởng chừng như sắc xanh dịu mắt, nhẹ nhàng không thể hài hoà được với sắc cam mãnh liệt, nay chúng lại kết hợp hoàn hảo để khắc họa rõ nét hơn sự giằng xé trong tâm trí một người phụ nữ có lối sống quen phụ thuộc vào ý kiến của người khác. Sự tương phản đậm nét của hai sắc thái ấy cũng chính để làm nổi bật hơn hình vẽ ở góc sách. Cô nàng ấy vốn đã cầm những lá thư trên tay, vừa tò mò vừa lo sợ. Đã nhiều lần, sự lo sợ áp đảo và khiến cô nghĩ (một cách không dứt khoát) rằng: “Hay là thôi, đừng đọc”?
8. Vũ
Bìa sách của “Sự nghiệp và thiên tình sử của một quý ông tương lai” mang một số điểm giống nhau với “Bản tụng ca niềm vui” khi cả hai đều mang sắc xanh tươi sáng và hình vẽ của cái nắm tay chắc chắn. Nhưng ở “Sự nghiệp và thiên tình sử của một quý ông tương lai”, sắc xanh đã nhạt bớt phần nào nên tạo cảm giác yên bình, dịu dàng hơn hẳn các trang bìa khác. Màu xanh pastel tựa bầu trời với ánh sáng bàng bạc ngược chiều khiến bóng nhân vật trở nên vừa rõ nét nhưng cũng vừa mờ nhạt. Không phải ngẫu nhiên khi hình ảnh bàn tay nắm chặt quay trở lại, bởi lẽ đây là một chi tiết khắc hoạ vô cùng rõ nét, tinh tế nghị lực và quyết tâm của Vũ – một “quý ông tương lai”. Nhưng để được như vậy, Vũ đã phải có những đánh đổi, được minh hoạ qua cảnh những xác người nằm la liệt trên trang bìa (trải nghiệm bức hình bìa toàn cảnh là dành riêng đối với những bạn đã đọc sách). Vậy Vũ thật sự đã trải qua những gì khi anh đối diện với hiểm nguy để sau đó lột xác và trở thành một “quý ông”?
9. Hà
Bìa của cuốn hồi ức tiếp theo mang một sắc thái hoàn toàn đối lập. Những gam màu trầm, tối hẳn đã phần nào khắc hoạ một phần về thế giới và con người Mai Thanh Hà, nhân vật chính trong cuốn hồi ức thuộc về màn đêm này. Khi không gian vơi bớt những bóng người và màn đêm buông xuống, cuộc sống của Hà mới thực sự bắt đầu. Bóng tối bao trùm cũng là lúc cô bắt đầu hành trình trên toa tàu ký ức – một hành trình tăm tối và mãnh liệt khi chính Hà phải xuyên qua những màn sương mờ ảo để đến những toa tàu cuối cùng và nhớ lại những ký ức xa xưa nhất.
10. Chính (?)
Là cuốn tiểu thuyết về sự kiện chính Đại hồng thuỷ, sắc màu của “Trên địa cầu và trong thế giới” mang sự huy hoàng và vĩ đại của riêng nó. Bức tranh chính của “Cơn bão cuối cùng” là một buổi hoàng hôn với những gam màu đậm và mang sức nặng hơn hẳn khi một ngày sắp tàn, mọi thứ dường như đang đi dần đến điểm kết thúc. Trên bìa sách có độc một chiếc thuyền đang đi về phía những đốm sáng khác ở chân trời. Câu hỏi đặt ra không phải về chân trời mới đó, mà điều gây tò mò hơn cả đó là: Những ai là người sống sót sau cơn bão lũ thế kỷ này? Và bất ngờ hơn, rằng từ đầu đến giờ, trong suốt trường thiên tiểu thuyết, ai mới thực sự là người kể chuyện?