Những đầu sách nên đọc nếu bạn muốn làm nhà văn
1. Từ điển tiếng Việt
Loi đáhnmays, nỗi trính tã, hoặc lỗi dùng sai định mệnh nghĩa khí của từ, đều không thể chấp nhận được, bất kể bạn viết cái gì, ngắn hay dài, hay hay dở. Khi bạn viết ngắn, ví dụ một bình luận, một trạng thái, vân vân, thật không hiểu nổi vì sao trong cái đoạn ngắn như thế mà vẫn có lỗi. Còn khi bạn viết dài, lỗi của bạn sẽ gây gánh nặng kinh hoàng cho biên tập viên. Đương nhiên, nếu họ sửa sót, bạn là người thiệt.
Nam Cao – một bậc thầy văn chương của Việt Nam – đã nói: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này.
Bất kể khi nào cảm thấy không chắc chắn về một từ mình dùng, dù chỉ thoáng nghi ngờ trong phút chốc, đừng ngần ngại, hãy kiểm tra nó. Nếu bạn cố tình dùng sai (cho mục đích sáng tạo), hãy thận trọng, vì những độc giả khó tính chưa chắc đã cho bạn cơ hội giải thích. Tuỳ vào ngôn ngữ bạn viết, bạn nên có cuốn từ điển tương ứng bên người. Đó nên là loại từ điển chỉ có một thứ tiếng (Việt-Việt, Anh-Anh) và tất nhiên nên đến từ một đơn vị xuất bản có uy tín.
2. Dagestan của tôi (Rasul Gamzatov)
Đây là một tác phẩm đặc biệt. Tác giả của nó là một nhà thơ, nhà văn lỗi lạc, sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương, thuộc về một dân tộc (Dagestan) cũng đặc biệt không kém.
Trong suốt tác phẩm, Rasul Gamzatov miêu tả lại quá trình ông viết ra chính nó. Ông bắt đầu từ lí do, động lực, hoàn cảnh; cho đến những ý tưởng, cảm hứng; điểm qua cả khó khăn, tai nạn; rồi dẫn ta về với những kết luận. Lấy chính mình (và tác phẩm của mình) làm ví dụ, ông đề cập tới các tiêu chuẩn, góc nhìn, kỹ năng mà theo ông, một nhà văn nên có. Chúng tôi nói thiếu. Không chỉ nhà văn, mà có lẽ, một nhạc sỹ, hoạ sỹ, biên kịch, hay nhiều nghề khác nữa, cũng học được gì đó từ Rasul Gamzatov. (Chẳng nói đâu xa, chúng tôi được một hoạ sỹ gạo cội giới thiệu tác phẩm này).
Không chỉ những yếu tố mang tính chuyên môn, cuốn sách còn cho độc giả rất nhiều cảm hứng, chẳng hạn như cảm hứng về tình yêu quê hương, cảm hứng về tình yêu ngôn ngữ, văn thơ, cảm hứng để thôi thúc ta ngồi vào bàn và sáng tạo.
3. Để trở thành nhà văn (Nguyễn Duy Cần)
Có lẽ các bạn không còn xa lạ với tên tuổi của học giả, thầy giáo, nhà văn Nguyễn Duy Cần. Vậy mà vị trí thức này lại viết như sau ở lời nói đầu của cuốn sách:
Có lẽ vì đã viết được một vài quyển sách, thảo được một vài bài báo… mà có một vài bạn trẻ gán cho mình danh hiệu “nhà văn”, và đòi hỏi mách cho những bí quyết để trở thành “nhà văn”… Ôi, kinh nghiệm của đôi ba mươi năm cầm bút, lại cũng không do trường chuyên môn văn chương nào đào tạo cả, thì biết gì mà chỉ dẫn! Sự thực là thế. Lời nói đây là lời nói chân thành. Tôi chỉ viết khi nào tôi cảm thấy cần phải nói lên một điều gì thôi.
Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Chưa bước vào những chương chính, ông đã dạy cho độc giả hai bài học quan trọng: Thứ nhất, phải luôn luôn khiêm tốn. Thứ hai, chỉ viết khi có điều muốn nói, có thôi thúc, có câu chuyện để kể.
Nhắc đến chuyện “có điều muốn nói”, chúng tôi xin trích dẫn thêm ở đây một câu nổi tiếng của Karel Čapek, khi ông nói về tác phẩm “Khi loài vật lên ngôi” của mình. Ai đã đọc tác phẩm đó, đều cảm thấy hợp lý, nếu nó được xếp vào thể loại tiểu thuyết viễn tưởng. Nhưng bản thân nhà văn thì cho biết: “Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó”.
Chúng tôi – sau khi tiếp thu ý kiến từ hai vị nêu trên – luôn ủng hộ quan điểm rằng: Bất kể bạn viết thể loại gì, bạn phải thành thật. Thành thật ở đây là với bản thân, với cảm xúc, với những suy nghĩ sâu kín nhất. Một tác phẩm càng có vẻ viễn tưởng, chưa biết chừng lại càng ẩn chứa nhiều sự thật, bởi giữa một tấm màn thế giới đa sắc, ảo diệu, được dệt nên bởi hàng muôn sợi chỉ định kiến, cái gọi là “sự thật” đôi khi trông rất lạ lùng, thậm chí kỳ quặc.
Một nhà văn không chỉ phải tránh xa sự cẩu thả, mà còn phải tránh xa cả sự dối trá. Nếu không có gì để kể, chi bằng dừng lại, chứ tuyệt đối chớ nên bôi ra.
Như đã nói, trên đây chỉ là bài học “vỡ lòng”, xuất hiện ở ngay lời nói đầu. Cuốn sách tuy mỏng nhưng còn nhiều bài học khác nữa.
Mời các bạn tự mình thưởng thức và chiêm nghiệm.
4. Bí mật cuộc đời các đại văn hào (Robert Schnakenberg)
Cuốn này nói chung không mang đến bài học nào cả. Đây là một cuốn viết theo dạng “fun fact”, cung cấp những mẩu chuyện vui. Tác dụng của nó là để bạn thấy rằng tất cả những thói hư tật xấu của bạn đều không ảnh hưởng gì tới tài năng văn chương của bạn (nếu nó tồn tại).
Bạn có thể lạc quan về những khuyết điểm của mình và hân hoan khởi sự sáng tác. Ngay cả khi sau đó sự bê bối của bạn không thuyên giảm, thì ít nhất bạn có quyền hy vọng là chúng sẽ được ai đó viết vào tiểu sử của bạn, khi bạn nổi tiếng. Cứ tự tin lên! Xét cho cùng, bạn khó mà nát rượu bằng Jack London, hay mê tín dị đoan như Arthur Conan Doyle.
Cuốn này có một tác hại, ấy là khiến cho vài độc giả ngây thơ có thể tưởng rằng những tật xấu được kể ra trong đó là dấu hiệu của một đại văn hào. Không, các bạn ạ, dấu hiệu của một đại văn hào là viết ra được nhiều tác phẩm lớn được công chúng đón nhận. Đơn giản vậy thôi! Không có mối quan hệ nhân-quả giữa tài và tật (hay tật và tài). Nếu ai đó “lắm tài” và tình cờ “nhiều tật”, thì cũng giống như “đẹp trai” và tình cờ “có nhiều người yêu” ấy mà, đều là trùng hợp cả thôi.
Đối với các độc giả Việt Nam, còn một vài cuốn tương tự, cũng nói về đời tư của các nhà văn, như “Chân dung và đối thoại” (tác giả Trần Đăng Khoa), “Bạn văn” (tác giả Nguyễn Quang Lập), bộ hai cuốn “Giai thoại các tác giả văn chương Việt Nam” và “Giai thoại các tác giả văn chương thế giới” (do Nguyễn Nga biên soạn và tuyển chọn), vân vân.
Thân mời quý bạn đọc thử!
Bài viết của Chú Lửng Mật