Chuyện lưỡi dao cạo, đèn đỏ và những mớ rau
Chúng cứ âm thầm tự tiến hoá thôi?
Hôm trước tôi xem lại bộ phim “Reply 1988”. Phim nói về những kỷ niệm xảy ra vào năm 1988, của một nhóm bạn. Ở tập 2, nhân vật Sun Woo cạo râu lần đầu, do chưa có kinh nghiệm nên bị xước vài lần. Tôi cứ nghĩ mãi về chi tiết này.
Xin đính chính là tôi không thấy nó vô lý. Tôi chỉ thắc mắc: “Sao dễ xước vậy?”
Thắc mắc đó theo tôi đến giờ làm việc. Tôi có nói chuyện với một đồng nghiệp ở Chú Lửng Mật, và nhận được câu trả lời khá hiển nhiên: Ngày ấy (năm 1988) có thể lưỡi dao chưa xịn như bây giờ.
Ừ nhỉ! Thế mà tôi không nghĩ ra. Không phải (chỉ) do nhân vật đó thiếu kinh nghiệm, mà chắc chắn lưỡi dao cũng góp phần. Những năm 1988 chắc là chưa thể có những thiết kế 3 lưỡi, 5 lưỡi phức tạp như hiện nay. Đương nhiên, sau 33 năm, công nghệ nó phải khác chứ.
Thế rồi phát hiện này đưa tôi đến với một thói quen mới: Nhìn lại tất cả những điều nhỏ bé quanh mình. Khi tắm, tôi nhìn cái vòi sen. Khi đi chơi, tôi nhìn những cửa kính cường lực, những bóng đèn cảm ứng, những mẫu thảm chùi chân bám chắc lên nền đá, không bị xê dịch khi người ta bước qua. Khi đi siêu thị, tôi nhìn bàn chải đánh răng, lọ đựng hạt tiêu, băng vệ sinh, bông ngoáy tai, vân vân.
Ở mọi sản phẩm, mọi mảnh ghép bé nhất trong cuộc đời – mà chúng ta thường sẽ coi như đương nhiên – luôn có ai đó đang cố gắng cải thiện một thứ gì đó, để cuộc sống chung được dễ dàng hơn. Người thiết kế ra chiếc lốp xe mới nhất và an toàn nhất cho ô tô cũng đang đồng thời thừa hưởng thành quả của người đã nâng cấp băng vệ sinh. Trong lúc sáng tạo một bộ phim xứng đáng được giải Oscar, vị đạo diễn cũng có lúc phải ngoáy tai chứ. Bên cạnh những nhà phát minh vĩ đại, những người hùng của thế giới, thật ra còn có nhiều người hùng âm thầm khác vẫn miệt mài cải tiến những điều rất bình dị, khiêm tốn, mà dù là ai thì cũng phải dùng và đã dùng thì, dù ít hay nhiều, phải cảm ơn họ.
“Việc ai người nấy lo”
“Anh bận quá, mày làm cho anh mấy việc chuẩn bị đơn giản nhé. Từ giờ đến sáng mai tập trung cho anh 30 người dưới 30 tuổi, nam giới, mặc áo xanh, tóc nhuộm vàng”.
Việc quan sát vẫn tiếp diễn. Khi đi đường, tôi nhìn đèn tín hiệu. Sao chỗ kia 30 giây, chỗ này lại 120 giây? Ai là người lựa chọn những con số đó? Họ lựa chọn theo công thức nào? Liệu họ có bao giờ tính sai không? Tôi nghĩ một lúc, rồi dừng. Đây không phải mảng kiến thức tôi biết. Tôi bèn tự nhủ: “Chắc chắn là họ phải tính đúng, vì đây là chuyên môn của họ”. Câu này kéo tôi đến một suy nghĩ mới.
Suốt từ bé, tôi luôn nghĩ rằng, mọi việc đều có ai đó đang lo. Tôi đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa và hay gặp chi tiết: “Gia Cát Lượng dặn Quan Vũ cầm 2000 quân ra hẻm núi A, khi nào thấy lửa hiệu thì kéo ra, chỉ khiêu khích rồi rút. Triệu Tử Long cầm 2000 quân ra hẻm núi B, đánh trống khua chiêng. Trương Phi cầm 2000 quân ra hẻm núi C, khi thấy tiếng chiêng thì đồng loạt like status của Chú Lửng Mật. Vân vân..”
Hồi bé, đọc đoạn này, tôi chỉ phục Gia Cát Lượng là người bày mưu như thần. Lớn lên thì tôi có thêm thắc mắc: “Nhỡ một trong ba viên tướng kia làm sai kế hoạch thì sao?”
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, thường thì sai sót không xảy ra xung quanh Gia Cát Lượng, vì ông này có hào quang nam chính. (Ông còn biết trước là ai sẽ sai sót để mà chuẩn bị phương án khắc phục, thế mới kinh). Nhưng ý tôi muốn nói ở đây là, cách kể chuyện này khiến tôi nghĩ rằng, cái người giao việc mới là người giỏi, còn cái người nhận việc, vì đó là trách nhiệm của họ, kiểu gì mà họ chẳng làm được. Họ làm bằng cách nào thì không cần biết.
Có thể, để thực hiện lời dặn của Gia Cát Lượng, Quan Vũ đã phải thức cả đêm, cùng 2000 quân tập dượt lại kế hoạch. Ông phải sáng tạo ra khẩu lệnh, để việc truyền tin hiệu quả hơn. Ông phải xem trước bản đồ, hoặc đến thăm dò thực địa, xem hẻm núi A đó trông như thế nào. Ông phải hỏi han những người ốm xem họ có cố được không. Ông có thể bị mất ngủ, vì sợ những tình huống phát sinh chưa lường trước được. Ông có hàng trăm việc li ti không tên, chỉ để thực hiện một nhiệm vụ nghe có vẻ cực kỳ đơn giản. Nếu ông thất bại, người ta sẽ cười: “Có mỗi một việc như vậy mà không làm được”. Hơi bất công, nhỉ?
Ôm suy nghĩ này về nhà, tôi lại để ý: Toàn bộ việc của tôi với rác là buộc túm lại, mang ra phòng đổ rác, vứt vào thùng. Tôi luôn mặc định là rác sẽ được xử lý, để hôm sau cái thùng thơm tho, rỗng không, sẵn sàng cho tôi vứt tiếp. Tôi không biết có bao nhiêu người đang lao động cực nhọc để quy trình xử lý rác này vận hành trơn tru. Gần đây, ti vi đã có tin bài tri ân những người xử lý rác ở các khu cách ly, vì lượng rác thải y tế đợt này tăng đột biến. Tôi rất ủng hộ những tin bài kiểu này.
Có hàng trăm những ví dụ tương tự, nhưng chắc các bạn thừa biết, tôi sẽ không liệt kê ra đây, cho khỏi dài dòng.
Tôi muốn để dòng suy nghĩ này tiếp tục lan man sang một chủ đề mới, gọi là “Khuất mắt trông coi”. Câu này chắc là quen tai. Chúng ta không chỉ nghĩ “Mọi việc đều có ai đó đang lo”. Chúng ta còn đi xa hơn, khi nghĩ rằng “Và chắc là họ đang làm tốt”. Nói chung, cứ phần việc nào thuộc về người khác, thì chắc chắn họ sẽ làm nó hoàn hảo, vì đó là chuyên môn của họ. “Chắc những tập đoàn lớn phải tính toán hết rồi”. Mình không phải lo gì cả.
Đúng vậy, mình không lo gì, cho đến khi tự tay làm thử.
Lòng tin vào cái tâm
Tôi ưa sạch sẽ nên thường được giao việc rửa rau ở nhà. Khỏi phải nói, tôi rửa cực kỳ kỹ. Tôi có thể tự tin khẳng định, tôi là một trong những kẻ rửa rau kỹ nhất thế giới. Thế rồi, một hôm, tôi bị đau đầu, do say nắng. Về nhà, tôi chỉ muốn nằm vật ra ngủ. Việc rửa rau, như thường lệ, vẫn đến tay tôi. Tôi không muốn đùn đẩy cho người khác, nhất là khi tôi hay khoe mẽ về thành tích rửa rau của mình. Nhưng thực tế thì sao? Hôm đó, tôi rửa rau ẩu hơn một chút. Tôi bớt đi một công đoạn. Tất nhiên, rau vẫn sạch, vì cái tiêu chuẩn “ẩu” của tôi vẫn còn kỹ hơn khối người. Thế nhưng, với tôi, nó không sạch bằng mọi khi. Chỉ có mình tôi biết chuyện đó. Mọi người vẫn yên tâm ăn, tin rằng rau này đã được kiểm duyệt qua bàn tay của người “rửa rau kỹ nhất thế giới”. Nhìn mọi người tin tưởng mình, tôi thấy rất xấu hổ.
Đó là lúc tôi chợt nghĩ rằng, ngay cả ở một nhà hàng năm sao, đương nhiên không phải là toàn bộ căn bếp cùng xúm vào rửa một mớ rau. Chỉ có một người rửa nó thôi chứ. Đương nhiên, có thể người này đang bị đau đầu. Chưa kể, tiêu chuẩn về sự sạch sẽ của họ có thể kém tôi. (Cứ cho là tôi hơi tự kiêu đi, nhưng đây là suy nghĩ cá nhân mà). Chắc chắn là không ít lần tôi ăn phải rau chưa sạch, mà không biết. “Khuất mắt trông coi”, đúng vậy, lại là “khuất mắt trông coi” thôi.
Nói rộng ra, ta có thể còn khuất mắt trông coi ở những chuyện gì nữa? Hay nói cách khác, ta đang trao trọn niềm tin vào những ai nữa? Người tài xế lái grab? Người phi công? Nhân viên dọn nhà theo giờ? Kỹ thuật viên bảo dưỡng thang máy định kỳ? Cán bộ ở nhà máy nước sạch? Không phải lúc nào ta cũng có thể tự tay kiểm tra lại mọi thứ. Vì vậy, có lẽ, điều quan trọng nhất là niềm tin vào sự “có tâm” của mọi người.
Lòng tin này, và cả cái tâm đó, không mua bằng tiền được.
Tôi chỉ muốn nói rằng, tất cả những người đang tận tuỵ với những công việc nhỏ bé, “đương nhiên” nhất, đang cống hiến cho đời những thành quả bình dị nhất, luôn xứng đáng nhận được sự tri ân chân thành từ chúng tôi.
Chúc các bạn một tuần mới làm việc đầy yên tâm và tận tuỵ. Tận tuỵ phần của mình, yên tâm về phần của người khác.
Tâm sự của Chú Lửng Mật