Tâm thư gửi các độc giả “tri kỷ”
1,150,000
Các bạn theo dõi fanpage Chú Lửng Mật thời gian qua hẳn sẽ thấy chúng tôi tha hồ trích dẫn từ bản thảo của một bộ truyện chưa xuất bản. Tính đến nay, chúng tôi đã trích dẫn 4 lần, và trong tương lai gần sẽ còn tái phạm. Các bạn có thể lo rằng, thể nào rồi chúng tôi cũng làm lộ quá nhiều, hoặc nhanh chóng trích ra bằng sạch, xong đến lúc bán thì chẳng ai mua nữa. Chúng tôi rất cảm ơn, nhưng phải đính chính rằng, các bạn hãy yên tâm, chúng tôi có trích dẫn 3000 câu cũng vẫn chưa cần gắn mác “cảnh báo spoil” mà ta hay gặp ở các review phim. Chúng tôi còn sắp tung ra bản đọc thử dài như bài thi văn đại học, mà vẫn chưa làm lộ nổi đến 1%.
Thú thực, việc tiết lộ bản thảo như thế này cũng là hành vi trả thù của chúng tôi đối với tác giả. Bản thảo siêu to khổng lồ này hành chúng tôi đến khổ! Như hai cái máy in đáng thương được nhắc tới ở một bài viết trước trên fanpage, hiện nay, bộ phận chế bản, dàn trang lẫn bộ phận biên tập viên đều đang rục rịch xin cáo ốm, viện dẫn đủ lí do. Có bạn tháng này đã nhổ răng khôn 8 lần mà vẫn xin nghỉ để nhổ tiếp. Có bạn tung tin mình là F88, vì hôm trước mới vay tiền của một ca F87, rồi để cho cẩn thận, xin tự cách ly ở nhà 140 ngày. Công ty Chú Lửng Mật vừa mới khởi nghiệp đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự đầu tiên.
Tất cả là do cái bản thảo.
10 cuốn. 2071 trang A4. 1,150,000 chữ.
Để dễ tưởng tượng, chúng tôi xin cung cấp ở đây một vài ví dụ.
- Bản tiếng Anh của toàn bộ 7 cuốn Harry Potter có 1,084,170 chữ.
- Bản tiếng Anh của cả series Twilight (4 cuốn) có 587,246 chữ.
- Bản tiếng Anh của “Chiến tranh và hoà bình” có 587,287 chữ. (Cùng xấp xỉ 587 nghìn chữ nhưng “Chiến tranh và hoà bình” thì “tàn nhẫn” hơn, vì cụ Tolstoy không có phần mềm văn phòng để thực hiện các thao tác copy, paste, save as thành nhiều bản để tiện đối chiếu, hay đơn giản là tẩy xoá tuỳ thích mỗi khi biên tập bản thảo. Trong nhiều trường hợp thì cụ – cùng phu nhân – vẫn chọn viết tay).
Quý bạn đọc quan tâm đến tác phẩm nào, có thể tìm kiếm cùng từ khoá “word count” là sẽ ra ngay. Đội ngũ Chú Lửng Mật đã rất cân nhắc khi đưa ra những ví dụ bên trên, bởi nó có thể gây phản cảm. Phải nhấn mạnh rằng, việc so sánh không nhằm mục đích khoe là cái này dài hơn cái kia, hoặc tôn sản phẩm của mình lên bằng cách dìm những sản phẩm khác. Đó là lối tư duy so sánh không lành mạnh. Chúng tôi chỉ muốn mời các bạn thử hình dung khối lượng chữ một cách trực tiếp hơn (bởi con số, khi đứng một mình, trông rất trừu tượng). Tự chúng tôi, khi lần đầu nhận thư giới thiệu bản thảo của tác giả, trước khi thử tra cứu về lượng chữ của các tác phẩm khác, cũng chẳng mảy may ngạc nhiên về con số 1 triệu. Chúng tôi cứ tưởng thế là thường.
Chúng tôi hiểu rằng, một tác phẩm đồ sộ chưa chắc đã là tốt. Đồ sộ mà lại dở thì đúng là thảm hoạ nhân đôi, chỉ tổ gây phí tiền, phí giấy in, và mất thời gian của độc giả. Quan trọng nhất vẫn là giá trị mà tác phẩm truyền tải.
Việc nhận xét “Cơn bão cuối cùng” hay hay dở, nên đọc hay không, xứng đáng có một cơ hội để chào đời và đến tay các bạn hay không, đội ngũ Chú Lửng Mật xin kính mời độc giả toàn quyền phân xử. Các bạn mới là những người bình luận công minh nhất.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, một tác phẩm đồ sộ đến như vậy (chưa nói tới chất lượng) vẫn đang khá hiếm, ở thời này thì lại càng hiếm. Nó đòi hỏi cảm hứng sáng tác rất bền bỉ, lì đòn, đòi hỏi một thái độ làm việc kiên nhẫn và kỷ luật, đặc biệt trong cái giai đoạn mà nhịp sống nhanh, gấp gáp đang trở nên thịnh hành. Người viết ra nó phải đánh đổi nhiều thứ, mà trước tiên, dễ thấy nhất, là công sức và thời gian. Chỉ nguyên ngồi đánh máy 1,150,000 chữ “Meo” cũng đã đủ hỏng bàn phím rồi. Lẽ nào người Việt Nam không viết được cái gì dài hơi? Lẽ nào, những thiên tiểu thuyết tâm huyết như vậy chỉ còn tồn tại ở những thế kỷ trước? Lẽ nào thị trường từ nay sẽ chỉ còn chỗ cho những đầu sách ngắn, gọn, ăn liền? Chúng tôi không phục, nếu có ai nói thế. Việc loay hoay để ra mắt được “Cơn bão cuối cùng”, cho dù lỗ vốn, cho dù gặp nhiều gian nan, chính là cách để chúng tôi chứng minh điều ngược lại. Có người dám viết, sẽ có người dám mạo hiểm bán nó.
Chúng tôi biết rằng văn chương bây giờ rất khó bán. Cùng với sự lên ngôi của các dòng sách self-help, tản văn, vân vân, vốn đáp ứng được rất tốt nhu cầu đọc của giới trẻ, việc tìm một chỗ đứng cho tiểu thuyết Việt Nam ngày càng trở nên mơ hồ. Chỉ trong vài tháng qua, không ít lần, chúng tôi nhận được câu hỏi (hoặc tự hỏi lẫn nhau), rằng:
“Nhiều khả năng sẽ không có lãi, vậy thì bán làm gì?”
“Mới khởi nghiệp, sao không bắt đầu với những tác phẩm an toàn hơn?”
“Liệu sản phẩm này có hơi quá tầm đối với một công ty nhỏ? Các bạn lượng sức chưa đấy?”
Hoặc, một câu hỏi trực tiếp hơn: “Bộ truyện này in ra, ai sẽ đọc nó?”
Ai sẽ đọc nó?
Bốn chữ “ai sẽ đọc nó” cứ văng vẳng trong đầu tất cả nhóm biên tập viên suốt vài tuần. Họ vừa hào hứng, vừa lo lắng. Họ gọi cho nhau vào giữa đêm mỗi khi nảy ra ý tưởng truyền thông nào đó. Họ lập group chat với nhau để thảo luận cách thức ra mắt. Thế rồi họ chợt phát hiện ra, họ là dân viết lách, việc của họ là sửa chữ nghĩa thôi cơ mà. Họ có toàn quyền đùn nỗi lo đấy sang cho nhóm marketing, những người chịu trách nhiệm tìm hướng để bán sách. Họ kiện lên sếp, đòi thưởng bù cho những ngày phải lo hão. Họ thình lình thoát khỏi gánh nặng. Giờ thì họ đang rất yên chí ngồi rung đùi, uống cà phê, xử lý bản thảo. Khôn như họ bảo sao nhiều răng khôn thế!
Nhóm marketing, đến lượt mình, lại đau đáu. “Ai sẽ đọc nó nhỉ?”, họ hỏi nhau. Họ có một câu hỏi thực tế hơn: “Ai sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra mua nó?”
Nhiều răng khôn hơn cả nhóm biên tập viên, họ nhanh chóng phát hiện ra, họ cũng có thể đùn đẩy một phần trách nhiệm sang cho người khác. Tất nhiên, chỉ là “một phần” thôi. Họ định đùn cho ai đây? Câu trả lời chính là: Độc giả.
Họ quả quyết rằng, những độc giả Việt Nam vẫn còn rất nhiều người trăn trở về văn học nước nhà, thứ văn học thuần tuý mà hiện đang trên đà tuyệt chủng. Văn hoá đọc của người Việt nay đã khác rất xa so với những tin tức về chuyện “mua bia nhiều hơn mua sách” từng phổ biến mấy năm trước.
Họ tin rằng, trong lúc Chú Lửng Mật lặn lội đi khắp nơi để tìm kiếm độc giả tiềm năng, chính những độc giả tiềm năng ấy cũng đang hàng tuần lặn lội tạt qua hiệu sách, để ngó xem dạo này người Việt có viết ra tác phẩm nào mới hay không. Các “tri âm tri kỷ” ấy cũng đang lùng sục cho mình một nguồn cảm hứng mới. Người yêu văn chương sẽ không ngồi chờ một cách thụ động.
Nhóm marketing còn cả gan thách thức nhóm làm fanpage bằng câu nói: “Chẳng cần các cậu quảng cáo rầm rộ. Chỉ cần lặng lẽ xếp những cuốn này lên kệ sách, sẽ có người quan tâm. Sẽ có khách hàng thân thiết nhận ra cái kệ của tiệm sách quen, chỗ mà tuần nào họ cũng ngó, tự dưng hôm nay có vài cái bìa mới”. Đến đoạn này thì họ hơi phấn khích nên sếp xua tay, thì thầm “dừng ở đây thôi”, kẻo bạn lửng mật khuyết danh – người chịu trách nhiệm mảng fanpage – hờn dỗi.
Họ khẳng định, Chú Lửng Mật và các độc giả yêu văn chương Việt Nam sẽ “bắt sóng” được nhau. Dù nhanh hay chậm, chắc chắn hai bên sẽ bắt sóng được nhau. Như chúng ta thời thơ bé, đã tự lần mò ra hiệu sách tìm đọc bộ Kính vạn hoa (cũng vô cùng đồ sộ) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hơn hai mươi năm trước đâu có mạng xã hội như bây giờ, mà những đứa trẻ thế hệ chúng ta có bỏ sót tập truyện nào đâu.
Nếu các bạn độc giả tiềm năng nhìn thấy những dòng này, và nếu các bạn hào phóng đặt niềm tin vào chúng tôi, xin hãy cho chúng tôi biết, có thể tìm các bạn ở đâu.
———
Link đọc thử sẽ sớm có trên website chính thức của Chú Lửng Mật.
Chú Lửng Mật trân trọng thông báo!
Hay là cứ tìm nhau trên Facebook nhỉ. Cũng đã rất lâu mình không đi dạo tiệm sách để tìm thứ gì đó để đọc.