Làm quen với nhạc cổ điển
1. Hãy cứ bắt đầu!
“Nhạc cổ điển” là một từ rất chung chung, bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều thể loại, nhiều phong cách. Bạn không biết bản giao hưởng với bản xô-nát khác nhau như thế nào? Bạn không hiểu kết cấu của một bản công-xớt-tô? Bạn nghe được từ “Ba-rốc” ở đâu đó và nghĩ chắc nó là một thể loại, kiểu như.. “ballad + rock”?
Đừng bận tâm vội. Những khái niệm này không khó hơn môn Hoá hữu cơ đâu, nhưng đang yên đang lành bảo ngồi đọc cả đống thuật ngữ thì kiểu gì chẳng rối. Hãy cứ nghe thử xem sao. Đa số chúng ta sống tốt giữa bao hợp chất hữu cơ, biết rõ là châm lửa vào bình xăng thì sẽ thấy ngàn mây bay bay trắng ngà, mà có cần nghiên cứu gì chuyên sâu đâu. Đến khi nghe nhiều, nghe ngẫu nhiên các bản nhạc cùng bị gọi là “cổ điển” mà chẳng hiểu sao khác hẳn nhau, rồi thấy hợp tai, rồi gõ ngón tay theo, rồi thích mê, bạn chủ động quay lại tra cứu định nghĩa của các thuật ngữ kia trên mạng, sẽ thấy mọi thứ dễ hiểu cực kỳ. Chứ nếu bạn cầu toàn, định tìm hiểu lý thuyết cho vững rồi mới nghe, thì chắc chắn bạn chẳng bao giờ bắt đầu được.
Mozart, Vivaldi, ai nữa nhỉ? Bạn hãy bắt đầu từ những nhạc sỹ này. Nhạc của họ thường rất bắt tai. Cụ thể hơn: “Eine kleine nachtmusik” (“A small night music” – tạm dịch là “Làm tí nhạc đêm”), chùm nhạc của Mozart mà có lẽ nghe thử các bạn sẽ đều nhận ra. Một ví dụ khác là bản Concerto No. 1 in E major, Op. 8, RV 269, “Spring” của Vivaldi. Đừng lo về cái tên. Bạn thường biết đến nó bằng biệt danh gần gũi hơn: “Mùa xuân” trong chùm “Bốn Mùa” của Vivaldi.
2. Tận dụng đôi mắt
Các cụ đã nói “trăm nghe không bằng một thấy”. Tốt nhất là bạn nên xem chứ đừng chỉ nghe, nhất là với giao hưởng. Hầu như bản nào bạn cũng có thể tìm được trên Youtube. Bạn cứ xem đi, khi nào rất thuộc một bản, hoặc trở thành cao thủ, thì hẵng nghe âm thanh riêng. Não bộ giống như thám tử điều tra vụ án. Càng có nhiều manh mối, cái “thật sự đang diễn ra” càng được xâu chuỗi hoàn chỉnh. Việc trông thấy các nhạc cụ nào đang hoạt động, các nhạc cụ nào đang nghỉ, thao tác ngón tay của nhạc công, vẻ mặt của họ, vân vân, sẽ khiến não được “giải thích”, giúp tiếng đàn trong tai bạn trở nên gần gũi hơn, thậm chí “có nghĩa” hơn, thay vì chỉ là một chuỗi những âm thanh xa lạ.
3. Kiến thức chuyên môn?
Tuy nhiên, “trăm thấy” chưa chắc đã thua kém “một sờ”. Không phải lúc nào cũng nên sờ. Nếu bạn tự ý nắn bóp vào một cây violin Stradivarious hàng tỉ đồng, hoặc tì người lên chiếc piano đắt nhất của ‘Steinway and son’ để chụp ảnh, khả năng bị chặt tay là cao ngất ngưởng. Nói rộng ra: Bạn không cần phải biết chơi nhạc cụ để có thể nghe nhạc cổ điển. Đừng nghĩ nhạc cổ điển chỉ dành cho sinh viên nhạc viện hoặc giới chuyên môn.
Người trong nghề tất nhiên có cách thưởng thức “xịn” hơn. Cách cầu thủ Đình Trọng xem đá bóng chắc chắn là khác cách chúng tôi xem. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đón chờ những trận vòng loại World Cup 2022 sắp tới của đội tuyển nước nhà với đầy hào hứng, đam mê, bia hơi và lạc luộc. Chúng tôi còn ngồi nghe một tí Chopin trong lúc chờ đến giờ phát sóng trận bóng. Chẳng có gì ngăn cản những người “ngoại đạo” tận hưởng mọi điều kỳ diệu của cuộc đời.
4. Một nơi nên thử: Nhà Hát Lớn Hà Nội
Vé đi xem các show của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội có thể rẻ nhất là 100.000đ nếu bạn là sinh viên, đắt nhất có thể là 800.000đ – 1.000.000đ, do bạn vừa không phải sinh viên, vừa thuộc giới siêu giàu. Một mẹo vặt là bạn hãy ngồi tầng ba, nhất là hai bên cánh, để tiện quan sát các nhạc công, tận dụng được đôi mắt như đã nói ở tập 2. Từ góc nhìn trên cao, cảnh tượng thật sự rất mê hoặc. Đã vài lần, chúng tôi không thích phần âm thanh nhưng vẫn say sưa ngắm phần hình ảnh.
Mọi khi chúng tôi cũng chỉ có tiền mua vé tầng 3 thôi, tầm 200.000đ – 300.000đ/vé với các chương trình bình thường trong năm. Mức giá này đủ phải chăng để – nếu chưa từng đi nghe một buổi hoà nhạc – bạn có thể đầu tư một lần, mà không đến nỗi quá “rủi ro”. Khi nào đại dịch qua đi, các bạn thử xem nhé.
Cũng như đã nói ở tập 1, nếu là lần đầu, các bạn hãy chọn đêm nào có ít nhất một cái tên quen thuộc, như Mozart chẳng hạn. Dù gặp một bài lạ của Mozart mà bạn chưa từng nghe thì nó cũng vẫn bắt tai, dễ chịu, hoặc thi thoảng gợi cho bạn cảm giác quen quen. Còn nếu gặp bài bạn đã biết nhưng chưa từng nghe tên (tỉ lệ này khá cao), thì càng tuyệt. Đó có thể là thiên thần sẽ cứu vãn lại cả buổi tối, để bạn cảm thấy đỡ xót tiền, sau khi phải nghe một loạt nhạc lạ hoắc của ông Beethoven, cái ông mà tên thì rõ quen nhưng bài duy nhất bạn biết là “For Elise” thì lại chẳng thấy chơi.
5. Nhạc cổ điển có thật xa lạ đến thế không?
Bạn cũng có thể tìm mối liên hệ từ các tác phẩm khác quen thuộc hơn. Chúng sẽ xác nhận với bạn rằng bạn đã nghe nhạc cổ điển đầy tai, suốt từ bé đến giờ.
Nói có sách mách có chứng: Phim “Tom và Jerry” tập “The Cat Concerto” nè (The Hungarian Rhapsody No. 2 của Liszt), nhạc dự báo thời tiết ngày xưa (bản “Mùa Xuân” đã nói ở tập 1), bản nhạc thiếu nhi “Twinkle twinkle little star” mà ở Việt Nam nổi tiếng hơn với phiên bản bài học chữ cái tiếng Anh “A-B-C-D-E-F-G..” (12 variations on “Ah vous dirai-je, Maman” của Mozart), bài hát “A lover’s concerto” (Minuet in G major của J. S. Bach), album “Chat với Mozart” của ca sỹ Mỹ Linh, cùng rất nhiều sản phẩm phổ biến khác nữa, đều lấy cảm hứng từ các bản nhạc cổ điển.
(Link nghe thử nè )
—
The Cat Concerto:
https://www.youtube.com/watch?v=QGMpHVyz62Y&t=82s
The Hungarian Rhapsody No. 2 của Liszt:
https://www.youtube.com/watch?v=LdH1hSWGFGU
“Spring”
https://www.youtube.com/watch?v=javs7mZuWfA
12 variations on “Ah vous dirai-je, Maman” của Mozart:
https://www.youtube.com/watch?v=7BTvoqVK420
Minuet in G major của J. S. Bach:
https://www.youtube.com/watch?v=icZob9-1MDw
6. Tiểu sử nhạc sỹ và hoàn cảnh sáng tác
Hãy thử tìm đọc hoặc xem phim về các nhạc sỹ! Có rất nhiều drama thơm cho bạn hít, yên tâm không chán, hấp dẫn không thua gì chuyện hoàng gia Anh hay dĩ dãng duyên dáng dễ dàng dấu diếm ở showbiz Việt. Bạn sẽ hiểu thêm về con người, tính cách của các nhạc sỹ, và qua đó, hiểu các sáng tác của họ. Không phải vô cớ mà ngày xưa soạn văn toàn bị bắt tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Debussy cực kỳ yêu thương con gái. Bà Claude-Emma (Chouchou) Debussy, con gái nhà soạn nhạc, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều tác phẩm của cha. Số phận khéo sắp đặt, Chouchou qua đời chỉ một năm sau bố, cứ như thể bà là một thiên thần chỉ ghé qua trái đất để truyền cảm hứng cho Debussy.
Mozart mất sớm, bị an táng tập thể vì qua đời trong thời kỳ dịch bệnh.
Nếu bạn biết Beethoven từng là nạn nhân của truyền thông, hăm hở viết bản Giao hưởng số 3 dành tặng cho KOL Napoléon, thì bạn sẽ thấy cả tác phẩm lẫn tác giả dễ thương hơn nhiều. (Sau đó phía Napoléon trở mặt, làm lại nhận diện thương hiệu thành “Hoàng Đế”, thái độ du côn, hình ảnh bị xấu đi, nên Beethoven bực bội đòi quà). Chi tiết này chúng tôi xem được ở phim “Immortal Beloved” nói về cuộc đời Beethoven. Phim còn kể về những bản nhạc ông hứa lèo sẽ viết xong quên biến, hoặc một số bản nổi tiếng của ông được soạn ra trong những bối cảnh rất con người, rất đời thường… điều đó sẽ tác động nhiều hơn đến bạn khi bạn nghe lại nó ở chỗ khác.
7. Kết luận
Nghe nhạc cổ điển là một thú vui trông oách đấy, sang tai ra phết chứ chẳng đùa đâu, nhưng nhớ đừng có khoe (trừ khi bạn biết chắc đứa kia gà mờ). Bọn cao thủ ở xung quanh bạn rất đông đúc và thầm lặng. Chúng chỉ chờ bạn hở ra hai chữ “cổ điển” là đe doạ bạn bằng tất cả tuyển tập của Schubert, những chuyện thâm cung bí sử về Liszt, thậm chí lôi ghi-ta ra chơi mẫu cho bạn một đoạn trong Ondine (thế mới tài!), bất cứ trò nào cũng đủ sức đè bẹp tâm hồn bạn.
Song, nếu bạn chẳng làm gì mà vẫn có kẻ hăm doạ, làm bạn hết hồn, thì xin hãy đinh ninh rằng nhạc cổ điển không bác học, “đánh đố” hay buồn ngủ như một số đứa vẫn phao tin. Trên tất cả, trước tiên nó là âm nhạc – tức là nghệ thuật – để làm đẹp cho đời và phục vụ con người. Đã từng có thời, người ta chẳng có gì khác ngoài nhạc của ông Chopin “tren đì” để nghe, như cách chúng ta nghe Baby Shark hiện nay thôi. Nếu Baby Shark mà sinh ra trước, khéo Beethoven cũng tốn nhiều giấy mực cho đoạn “doo doo doo doo” lắm đấy.
Chúc các bạn thưởng thức âm nhạc thật vui vẻ!
Bài viết của Chú Lửng Mật.